Sáng 9/7, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Hội nghị được truyền trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng (toà nhà Quốc hội) đến hơn 15.600 điểm cầu trên toàn quốc, tới hơn 1,2 triệu đảng viên.
Tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đã truyền đạt nội dung Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Trong phần trình bày, ông Nghĩa tập trung làm rõ một số vấn đề như: tại sao Bộ Chính trị lại ban hành Quy định 144; những điểm mới, nội dung cốt lõi của Quy định 144; những vấn đề cần lưu ý triển khai thực hiện Quy định 144.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. (Ảnh: Như Ý) |
Theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, đạo đức là gốc, nền tảng của đảng viên, người cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đạo đức cách mạng là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của đảng, của dân tộc, của loài người.
Ông Nghĩa nêu, Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, về tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ và khẳng định: Đây là tư duy rất mới.
"Các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, T.Ư Đảng đã thực hiện nêu gương bằng những việc làm, những hành động cụ thể với phương châm "trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau", học tập đi đôi với làm theo. Nhiều cán bộ đảng viên là tấm gương mẫu mực trong học tập, công tác, lao động, sản xuất và chiến đấu", ông Nghĩa nêu.
Theo ông Nghĩa, còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự mẫu mực. Cá biệt có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thậm chí cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do T.Ư quản lý. Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói "đây là vấn đề đau xót trong Đảng".
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày nội dung Quy định 144 của Bộ Chính trị. (Ảnh: Như Ý) |
Đánh giá nguyên nhân căn bản của hạn chế, tồn tại, theo ông Nghĩa là do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên. Từ đó đòi hỏi cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh song song với biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện mang tính phòng ngừa tích cực. Từ nhiệm kỳ XI đến XIII, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách rất quyết liệt thể hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhằm đấu tranh ngăn chặn suy thoái, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Trong đó, cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan các hành vi sai trái diễn ra kể cả các năm trước và mới phát sinh; khởi tố nhiều cán bộ cao cấp, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương. Từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu, làm rõ bản chất vụ án, khởi tố hành vi vi phạm về tham nhũng, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Cũng theo ông Nghĩa, khi Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện điều tra dư luận xã hội thì trên 83% cán bộ, đảng viên, nhân dân khi được hỏi đều đồng tình phải kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn phân công, quản lý phụ trách. Phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, thể hiện sự nghiêm minh và cũng rất nhân văn, đưa "có lên có xuống, có vào có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ.
Cùng với đó, theo ông Nghĩa, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Khi có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã phát huy vai trò mạnh mẽ, có sự tham gia của Nhân dân. Việc này vừa mang tính giáo dục, cảnh báo, vừa răn đe để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, được Nhân dân đánh giá rất cao.
Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Như Ý) |
"Mong cán bộ, đảng viên ở tất cả các điểm cầu lan tỏa tinh thần này để trả lời những câu hỏi trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực...", ông Nghĩa nói.
Dẫn câu nói của Bác Hồ: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân", ông Nghĩa cho rằng, đây là điều rất sâu sắc, giá trị và đến nay phải suy ngẫm, nghiên cứu...
Cán bộ, đảng viên phải tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh.
"Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân", quy định nêu.
Điều 3 của Quy định 144 nêu vấn đề "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Theo đó, cán bộ, đảng viên cần tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.Cán bộ, đảng viên cần quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.
"Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín", quy định nêu.