Du lịch Cửa Lò: Kịch bản nào cho năm 2022?

0:00 / 0:00
0:00
“Năm 2022, chúng tôi xác định hoạt động du lịch vẫn còn nhiều khó khăn như tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp chưa có hồi kết, ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của du khách. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của nhân dân, thị xã Cửa Lò đề ra những chỉ tiêu, kịch bản cụ thể, khả thi để phấn đấu thực hiện phục hồi ngành du lịch”, Đồng chí Doãn Tiến Dũng – Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò chia sẻ với báo Tiền Phong.

- PV: Được biết, tỉnh Nghệ An đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ thị xã Cửa Lò. Xin đồng chí cho biết tình hình thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đó đến thời điểm hiện nay?

- Đồng chí Doãn Tiến Dũng: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 -2025, đã xác định thị xã Cửa Lò là một trong địa bàn trọng điểm ưu tiên để phát triển “Tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực phát triển 03 vùng kinh tế trọng điểm: Phát triển thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phát triển vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; phát triển vùng miền Tây Nghệ An, trọng tâm là Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Đô Lương - Tân Kỳ - Con Cuông - Quỳ Hợp”.

Du lịch Cửa Lò: Kịch bản nào cho năm 2022? ảnh 1

Bình yên Cửa Lò

Ngày 14 tháng 6 năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó xác định: “Xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên bố trí nguồn lực và phân cấp, phân quyền, tạo động lực để thị xã Cửa Lò phát triển đột phá, cùng với thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới, sáng tạo của Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025”. Nghị quyết tập trung vào 3 nội dung chính: Cơ chế thu tiền sử dụng đất, tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất cho ngân sách thị xã Cửa Lò và các phường; Chính sách hỗ trợ cho thị xã Cửa Lò 3.000 tấn xi măng PCB40/năm để nâng cấp, xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, khu dân cư kiểu mẫu; Chính sách hỗ trợ sự nghiệp hạ tầng thị chính, môi trường và hỗ trợ khác 100 tỷ đồng/năm để thực hiện công tác cứu hộ, cấp cứu biển, lễ hội du lịch, vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ,…

Nghị quyết được thông qua, vừa kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn thị xã để tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Du lịch Cửa Lò: Kịch bản nào cho năm 2022? ảnh 2

Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Doãn Tiến Dũng

Ban Thường vụ Thị ủy đã có Thông báo số 100/TB - ThU ngày 14/7/2021 về phân công xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 - NQ/TU ngày 14/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Đồng thời ban hành Chương trình số 09- CTr/ThU ngày 06/8/2021 hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 01 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. UBND thị xã xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất giai đoạn 2022 -2025.HĐND thị xã khóa VI nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại kỳ họp thứ 3 đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ - HĐND ngày 24/9/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thị xã Cửa Lò giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, hệ thống điện, cây xanh, cảnh quan môi trường, trường học, y tế...để tiến tới các tiêu chí đô thị loại II, một số tiêu chí hướng tới đô thị loại I

Du lịch Cửa Lò: Kịch bản nào cho năm 2022? ảnh 3

Du lịch Cửa Lò sẽ hồi phục trong năm 2022

- PV: Chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Cửa Lò đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Doãn Tiến Dũng: Sau khi UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, UBND thị xã ban hành kế hoạch thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Kết quảtính đến đầu tháng11//2021:Bảo hiểm xã hội thị xã đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.741 người lao động;Ngân hàng chính sách xã hội thị xã đang trực tiếp hướng dẫn lập hồ sơ cho 05 doanh nghiệp vay vốn;UBND thị xã phê duyệt danh sách cho 286 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và người lao động ngừng việc, 162 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và người lao động ngừng việc với số tiền: 1.186.830.000 đồng. Đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho 254 người lao động và 139 trẻ em với số tiền 1.046.965.000 đồng;

Đối tượng hộ kinh doanh: đã phê duyệt đợt 1 cho 113 hộ kinh doanh đủ điều kiện hỗ trợ với số tiền 339.000.000 đồng; Đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động, UBND thị xã đang thẩm định cho 4/7 phường: Nghi Hòa, Nghi Hương, Thu Thủy, Nghi Tân với 2.542 đối tượng (kinh phí hỗ trợ: 3.813.000.000 đồng); Kết quả thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Đến nay, BHXH thị xã đã giải quyết cho 143 đơn vị với 151 lao động đã nghỉ việc từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 còn thời gian bảo lưu; đã chi trả cho 3.064 lao động với số tiền 7.497.850.000 đồng.

- PV: Xin đồng chí chủ tịch cho biết tiến độ dự án Khu vui chơi giải trí Cửa Hội, dự án đường Quốc lộ ven biển, dự án đường vào bến Cảng Cửa Lò, kế hoạch mở rộng đường Bình Minh... đã được triển khai đến đâu?

- Đồng chí Doãn Tiến Dũng: Tiến độ thực hiện dự án Khu vui chơi giải trí Cửa Hội (Công ty CP Vinpearl), hiện nay chủ đầu tư đang thi công phần cáp treo từ đất liền ra đảo Ngư; Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đang tổ chức thi công; Dự án đường nối Quốc lộ 46 vào bến 5 -6 Cảng Cửa Lò; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 18/QĐ-UBND ngày 13/5/2021, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt và đang thực hiện các quy trình đâu tư, phấn đấu đến quý II năm 2022 sẽ khởi công xây dựng.

- PV: Đề án ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác chế biến hải sản và sản xuất nông nghiệp sạch tạo sản phẩm phục vụ du lịch giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Phát triển khai thác hải sản xa bờ đã có những kết quả gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Doãn Tiến Dũng: Qua gần 1 năm thực hiện, đề án đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ đóng mới 8 tàu đánh bắt xa bờ, nhưng riêng trong năm 2021 đã đóng 6 tàu công suất trên 1000CV, về chỉ tiêu này chắc chắn sẽ đạt và vượt. Sản lượng khai thác năm 2021 ước đạt 16.636 tấn; chỉ tiêuỨng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chế biến hải sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phấn đấu tạo được 2 - 3 sản phẩm chế biến mang thương hiệu Cửa Lò. Hiện nay, thị xã đã hướng dẫn Công ty TNHH Sơn Huyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm Chả mực, nem hải sản. Hiện Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định số 221/QĐ - SHTT ngày 09/6/2021 về việc chấp nhận đơn; chỉ tiêu phấn đấu đến đến năm 2025, trên địa bàn thị xã có 7 - 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; đến 2025 có 70 - 80% sản phẩm của làng nghề phải có tem nhãn. Hiện đã có nhiều sản phẩm được ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch như 5 sản phẩm của làng nghề chế biến hải sản Khối 7 - Nghi Thủy; HTX làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang I - Nghi Hải có 03 sản phẩm: nước mắm, mắm tôm, mắm tép; 04 sản phẩm Làng nghề bảo quản hải sản Khối 6 - Nghi Tân; Nước mắm Võ Kim, Nước mắm Vạn Lộc, Bột ngũ cốc Bình An, Bột ngũ cốc Hoàng Gia, Nước mắm của tổ hợp tác Bình Minh, cá thu nướng Cửa Lò…

Có nhiều ứng dụng được triển khai trong sản xuất có hiệu quả như:Ứng dụng công nghệ trong đóng mới tàu cá, các tàu đánh bắt xa bờ đều được lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt máy dò ngang để tăng khả năng đánh bắt hải sản; Ứng dụng KHCN trong sản xuất rau an toàn, trồng hoa các loại; Ứng dụng KHCN trong chế biến hải sản như hệ thống lọc trong sản xuất nước mắm, máy hút chân không, máy sấy tôm nõn, máy cắt cá thu.

Để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ dân ứng dụng KHCN trong sản xuất, ngoài vận dụng chính sách của Tỉnh, Thị xã cũng có nhiều chính sách như hỗ trợ các giống có năng suất và chất lượng tốt; hỗ trợsản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên; hỗ trợ đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, ứng dụng nông nghiệp cao…

- PV: Đồng chí nhận định như thế nào về mùa du lịch của thị xã Cửa Lò trong năm 2022? Cửa Lò sẽ làm gì để đạt được những mục tiêu đã đề ra?

- Đồng chí Doãn Tiến Dũng: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội nói chung, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là ngành du lịch. Cửa Lò là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An, ngành dịch vụ du lịch chiếm trên 60% tổng GDP của thị xã nên tác động của đại dịch Covid -19 càng khốc liệt hơn.

Năm 2022, chúng tôi xác định hoạt động du lịch vẫn còn nhiều khó khăn như tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp chưa có hồi kết, ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của du khách. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của nhân dân, thị xã Cửa Lò đề ra những chỉ tiêu cụ thể, khả thi để phấn đấu thực hiện phục hồi ngành du lịch:

- Kịch bản 1: Đón 1 triệu 550 ngàn lượt khách. Trong đó 516 ngàn lượt khách lưu trú (Nếu tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 đạt trên 80% trên toàn dân, tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên diện rộng). Doanh thu du lịch đạt 1.522 tỷ đồng.

- Kịch bản 2: Đón 1 triệu lượt khách. Trong đó khách lưu trú đạt 370.000 lượt (Nếu tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống Covid - 19 đạt dưới 80%, tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra nhiều nơi). Doanh thu du lịch đạt 1.050 tỷ đồng.

Để đạt kết quả tốt, thị xã Cửa Lò đã đề ra những giải pháp căn cơ, thiết thực như: Tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19 cũng như phục hồi ngành du lịch trong trạng thái bính thường mới. Trong đó yêu cầu 100% lao động phục vụ du lịch được tiêu phòng Covid-19. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như ứng dụng chuyển đổi số, tự khai báo, đánh giá anh toàn Covid -19 trên cổng http://safe.tourism.com.vn/dangkyYêu cầu khách khai báo y tế qua phần mềm chuyên dụng trước lúc check in. Tập huấn xử lý sự cố khi có khách nghi nhiễm vi rút SARS - CoV2.

Thứ hai, tập trung chia sẻ, giải quyết khó khăn với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch như chính sách miễm, giảm thuế phí, tiền điện, giãn nợ ngân hàng, lãi suất ưu tiên, hỗ trợ BHYT, BHXH cho người lao động... để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá Cửa Lò là điểm đến an toàn, thân thiện, tăng cường liên kết, kết nối du lịch với Thanh Hóa và Hà Tĩnh tạo thành các điểm đến an toàn. Có các biện pháp kích cầu du lịch như giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch. Khai thác các tour, tuyến, kết nối các điểm đến trên địa bàn để đa dạng hóa trải nghiệm cho khách du lịch.

Thứ tư, tập trung thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Trong đó ưu tiên cho các dự án trọng điểm như dự án quy hoạch hạ tầng lâm viên phía đông đường Bình Minh, mở rộng đường Bình Minh, đường Ven biển, đường dọc số 5. Đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng các điểm check in phục vụ du khách.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra trên mọi lĩnh vực hoạt động du lịch, phòng chống dịch bệnh. Các đoàn kiểm tra của thị xã cùng các lực lượng chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, lịch trình, phân công nhiệm vụ cho các thành viên để tiến hành kiểm tra tổng thể các hoạt động du lịch, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, quyết tâm kiểm soát dịch bệnh để du lịch Cửa Lò từng bước phục hồi và phát triển.

Xin cảm ơn đồng chí Doãn Tiếm Dũng!

MỚI - NÓNG