Mức thu phí được thực hiện theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT. Cụ thể, đối với loại phương tiện dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng được áp dụng mức phí là 35.000 đồng/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 70.000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 87.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet là 140.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng containet 40 feet là 200.000 đồng/lượt.
Cũng theo Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, sau khi triển khai thu phí, tuyến đường sẽ áp dụng mức chạy tối đa đối với các xe là 100 km/giờ, tối thiểu là 60 km/giờ.
Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo thống kê sơ bộ kể từ khi đi vào hoạt động, ước tính mỗi ngày có tới hơn 10.000 xe ô tô các loại lưu thông trên cao tốc Hạ Long- Hải Phòng.
Theo nhận định của ngành GTVT tỉnh, ngay cả khi thực hiện thu phí thì khả năng lượng xe lưu thông qua cao tốc cũng sẽ giảm không đáng kể bởi nếu các phương tiện lưu thông theo tuyến QL 18 (đoạn Hạ Long- Uông Bí) thì vẫn mất phí mà đường lại nhỏ hẹp, lại có nhiều xe máy lưu thông cùng…
Đây là công trình mang ý nghĩa lớn đối với Quảng Ninh trong việc đổi mới phương thức đầu tư công trình giao thông theo hình thức tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện sau khi được Chính phủ cho phép. Khi hoàn thành, dự án góp phần hoàn chỉnh tuyến cao tốc kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, du khách đi lại. Tuyến cao tốc rút ngắn thời gian đi từ Hạ Long đến Hải Phòng xuống còn 30 phút, thay vì mất gần 2 tiếng như trước và từ Hạ Long đi Hà Nội chỉ mất 1 giờ 30 phút, thay vì 3 - 4 tiếng như trước.
Cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng nhiều nhịp thứ 8 trên thế giới và là cây cầu đầu tiên được tổ chức thi công tại Việt Nam, do người Việt tự thiết kế.