Du học về làm nông, Bộ Giáo dục không quan tâm?

Du học về làm nông, Bộ Giáo dục không quan tâm?
Hàng năm có hàng trăm học viên được tuyển chọn đi du học theo các chương trình học bổng của chính phủ theo diện hiệp định, thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước.

> Du học “nghệ thuật sống”

> Những kỷ lục kỳ quặc của sinh viên thế giới

Anh Lê Văn Hậu (bên trái) sau 5 năm đi đào tạo chuyên ngành Hóa dầu ở nước ngoài về làm nông.
Anh Lê Văn Hậu (bên trái) sau 5 năm đi đào tạo chuyên ngành Hóa dầu ở nước ngoài về làm nông..

Cam kết trên giấy

Các học bổng được nhiều sinh viên Việt Nam săn tìm là học bổng Chính phủ Nhật Bản, học bổng diện Hiệp định với Nga, học bổng Chính phủ U-crai-na… Xếp vào loại “hàng hiếm”, thi thoảng có học bổng Canada.

Khá nhiều học bổng đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri...

Chính phủ các nước như Môn-đô-va, Ca-dắc-xtan, Brunei Darussalam, Cu ba, Lào, Campuchia, Xrilanca, Ô-man, Mông Cổ, Mê-hi-cô… cũng có học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Các chuyên ngành được cấp học bổng dạng này thường là: ngôn ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật và thể thao, ngành y - dược…

Yêu cầu đối với đối tượng dự tuyển thường tùy theo loại học bổng. Thông thường, đối với học bổng đại học đối tượng dự tuyển là sinh viên năm thứ nhất có kết quả học tập trung bình từ 6,5 - 7,0. Đối tượng đi học thạc sĩ, tiến sĩ là cán bộ đang công tác tại các cơ quan nhà nước, không quá 35 tuổi đối với ứng viên học bổng thạc sĩ và không quá 40 tuổi đối với ứng viên học bổng tiến sĩ…

Quy định chung đối với các đối tượng là phải “cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại cơ quan cử đi học hoặc theo sự điều động của Nhà nước. Cam kết phải được cơ sở đào tạo hoặc cơ quan cử đi học xác nhận, bảo lãnh. Những người không hoàn thành chương trình đào tạo, tự bỏ học, bị buộc thôi học hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về nước phục vụ phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí cho ngân sách Nhà nước”.

Các đối tượng trúng tuyển trước khi đi học đều phải làm bản cam kết thực hiện nghĩa vụ của lưu học sinh.

“Cam kết làm việc lâu dài cho cơ quan đã cử tôi đi học hoặc theo sự điều động của Nhà nước” - đối với học viên là cán bộ đi học.

“Cam kết làm việc lâu dài cho trường đại học đã cử tôi đi học hoặc theo sự điều động của Nhà nước” - đối với sinh viên và học sinh đi học.

“Giấc mơ” được điều động

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng. Theo đó, năm học 2010 - 2011 có 98.536 người, năm học 2011 - 2012 có 106.104 học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập.

Chưa có một điều tra nào về thực trạng việc làm của những du học sinh, sau khi tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài trở về nói chung cũng như đi theo dạng Hiệp định nói riêng. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng chỉ nắm được con số du học sinh đi và về theo Đề án 322.

Trên thực tế, thực hiện cam kết sau khi tốt nghiệp trở về nước phục vụ là khá dễ dàng đối với đối tượng là cán bộ đang công tác tại các cơ quan nhà nước, thường đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Những học viên này sau khi kết thúc thời gian học tập thường trở về làm việc tại cơ quan cũ, ít nhất là thời gian ngay sau khi hoàn thành khóa học.

Tuy nhiên, với đối tượng đi học đại học, thường là sinh viên năm thứ nhất, hoặc một vài học bổng có tuyển sinh đối tượng vừa tốt nghiệp chưa làm việc tại cơ quan nào, thì việc trở về phục vụ chỉ là yêu cầu trong bản cam kết. Và chính các em nếu muốn thực hiện cam kết cũng khó vì không hề có sự điều động nào từ phía Nhà nước.

Thậm chí, được điều động chính là điều các em mong mỏi. Trong các loại học bổng chính phủ, mới đây chỉ có Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử" và Chính phủ Liên bang Nga (LB Nga) thông qua Tập đoàn Năng lượng nguyên tử "ROSATOM", cấp chỉ tiêu học bổng Hiệp định cho Việt Nam để đào tạo chuyên gia về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, là có đề cập tới cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Theo đó, lưu học sinh tốt nghiệp sẽ về nước làm việc cho Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu ở các trường ĐH, viện nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đi theo diện Hiệp định, học bổng Chính phủ - thì phía bạn thường miễn phí đào tạo, cấp học bổng và bảo hiểm y tế. Chính phủ Việt Nam chỉ cấp vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa và cấp bù sinh hoạt phí theo chế độ hiện hành (tùy theo thỏa thuận trong hiệp định).

Phải chăng, vì Việt Nam hầu như không tốn kém gì đối với những sinh viên diện này, nên việc các em có trở về hay không, rồi trở về sẽ làm gì, kể cả về… làm nông, cũng là điều không quá quan trọng?

Theo Chi Mai
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.