Dự án Ô Quan Chưởng: Sự đã rồi?

Thông tin từ Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, hiện vẫn chưa chọn được màu sơn mới cho Ô Quan Chưởng. Ảnh: Xuân Phú
Thông tin từ Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, hiện vẫn chưa chọn được màu sơn mới cho Ô Quan Chưởng. Ảnh: Xuân Phú
TP - “Ai cũng muốn làm tốt việc này, vì nó mang yếu tố tâm linh. Những vấn đề chưa tốt cũng do kiến thức hoặc nhận thức chưa đầy đủ. Không nên gọi là sự đã rồi”- bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Trưởng ban Quản lý Di tích, Danh thắng (QLDTDT) Hà Nội, nói về dự án tu bổ Ô Quan Chưởng.

>>'Chưa cần thiết trùng tu Ô Quan Chưởng'
>> Chùm ảnh trùng tu Ô Quan Chưởng

Thông tin từ Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, hiện vẫn chưa chọn được màu sơn mới cho Ô Quan Chưởng. Ảnh: Xuân Phú
Thông tin từ Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội,
hiện vẫn chưa chọn được màu sơn mới cho Ô Quan Chưởng.
Ảnh: Xuân Phú.

Dựa vào ý kiến nào Ban QLDTDT tiến hành tu bổ Ô Quan Chưởng, thưa bà?

Năm 2008, đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ tu bổ một di tích của Hà Nội trong dịp kỷ niệm ngàn năm. Ô Quan Chưởng là di tích được chọn, đề xuất thông qua các thủ tục do Cục Di sản Văn hoá và Cục Hợp tác Quốc tế thực hiện.

Trước khi tiến hành tu bổ, Ban QLDTDT mời các thành phần liên quan để khảo sát, đánh giá hiện trạng và lựa chọn các hạng mục cần tu bổ, phù hợp với kinh phí hỗ trợ. Ví dụ: Xây gia cố tường cổng, lát lại toàn bộ nền tầng hai và ba, phục hồi hệ thống cửa và lát nền bằng đá thanh, bảo quản toàn bộ bề mặt tường xây gạch trần... Sau đó đơn vị tư vấn lập dự án theo các quy định.

Tu bổ Ô Quan Chưởng, Ban QLDTDT Hà Nội và các đơn vị liên quan có tính đến phản ứng của dư luận như hiện giờ?

Công tác tu bổ đối với Ô Quan Chưởng hay đối với bất cứ di tích nào, đều với mục đích bảo tồn di sản văn hóa. Đúng hay sai là sự đánh giá sau đó của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành.

Như cách làm với Ô Quan Chưởng, quy trình có hợp lý không?

Bà Nguyễn Thị Hòa
Bà Nguyễn Thị Hòa.

Cách làm với Ô Quan Chưởng đúng theo quy trình và quy định. Dự án tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng và quy định về chuyên ngành.

Đơn vị thi công trong dự án này- thuộc Viện Bảo tồn Di tích- có kinh nghiệm nào trong việc trùng tu di tích?

Đơn vị thi công là Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích thuộc Viện Bảo tồn Di tích, Bộ VHTTDL. Đây là cơ quan đầu ngành về công tác này.

Xin nói thêm: Đây chính là đơn vị được Bộ VHTTDL chọn là đơn vị thực hiện công trình thực nghiệm tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến. Công trình tu bổ này đạt giải cao nhất về bảo tồn di sản năm 2010. Ngày 6-11, Cục Di sản Văn hóa tổ chức lễ khánh thành đình Chu Quyến.

Bao giờ người dân thấy một Ô Quan Chưởng hoàn thiện?

Hiện việc tu bổ vẫn tiếp tục. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, chúng tôi sẽ mời hội đồng tư vấn để đánh giá chất lượng công trình sau tu bổ. Kết quả được báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ VHTTDL. Trên cơ sở thống nhất của cấp thẩm quyền sẽ tổ chức lễ khánh thành, dự kiến vào tháng 11 này.

Trát mới liệu có hợp lý?

TS Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội) nêu ý kiến về việc tu bổ Ô Quan Chưởng:

Trong định hướng bảo tồn di tích, nhà nước quy định rõ: Phải bảo tồn tính nguyên thủy của nó. Có nghĩa, mục tiêu tôn tạo di tích không chỉ tôn trọng vị trí, nguyên vật liệu gốc, kỹ thuật xây dựng, tôn tạo không gian kiến trúc, mà còn tôn trọng cảnh quan đô thị-mối quan hệ giữa di tích với vùng xung quanh.

Hình ảnh Ô Quan Chưởng rêu phong như thế, chứng tỏ sự già cội, có giá trị lịch sử ăn sâu vào lòng người rồi. Nếu muốn loại bỏ hoàn toàn yếu tố rêu phong, phải xem xét rêu có hại cho công trình thế nào và tìm phương pháp xử lý. Thay thế vật liệu cũng phải xem thế nào. Trát một lớp vữa mới, liệu đó có phải là vật liệu gốc không, màu sắc có phải màu sắc gốc không? Bài học trát vữa xi măng Tháp Rùa, sơn xanh, sơn đỏ chùa Trấn Quốc… vẫn còn đó.

MỚI - NÓNG