Theo ông Hiển, trong tổng số vốn khoảng 3.800 tỷ đồng của dự án, gồm có nguồn vốn xây lắp và nguồn vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nguồn vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng ngân sách địa phương bố trí chưa đủ, nên phải bố trí sắp xếp lại cho đủ.
Theo ông Hiển, trong quý I năm nay thành phố sẽ bố trí 250 tỷ đồng. Hiện tại đã bố trí được 150 tỷ và đang tiếp tục kiến nghị bổ sung thêm 100 tỷ nữa. Trong các quý tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục bố trí các nguồn vốn theo từng giai đoạn. Ngoài ra, xem xét sử dụng từ nguồn vốn bổ sung hoặc nguồn từ những dự án khác chưa triển khai hoặc kém hiệu quả.
Dự án đường vành đai phía Tây Cần Thơ gặp khó khăn về vốn. |
Dự án đường vành đai phía Tây Cần Thơ được khởi công hồi tháng 11/2022, nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C.
Dự án đi qua quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Tổng chiều dài hơn 19km. Điểm đầu giao với QL91 (Km20+370) và giao với Đường tỉnh 922. Điểm cuối giao với QL61C (Km1+400). Tổng số diện tích đất bị ảnh hưởng là 180,49 ha. Tổng số trường hợp bị ảnh hưởng khoảng 1.399 trường hợp.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.837 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương và huy động các nguồn vốn khác. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 829 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 2.684 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 16 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 94 tỷ đồng; chi phí khác hơn 38 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 174 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021- 2026. Trong đó, giai đoạn 2021- 2025 là 3.392 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác 1.392 tỷ đồng). Giai đoạn sau năm 2025, tiếp tục bố trí các kinh phí còn lại sau khi dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án.
Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ - cho biết, dự án khi hoàn thành sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của TP, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng ĐBSCL, như: QL91, QL61C, QL1A. Từ đó, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa thành phố với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.