Dự án của ai ?

TP - Hôm qua 12/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT sau thời ông Đinh La Thăng, đã lên tiếng về BOT tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Ông Nghĩa nói: “Hai việc lớn trong thời gian tôi làm Bộ trưởng Bộ GTVT là tạm dừng dự án BOT để rà soát và làm quyết toán. Từ chỗ quyết toán phản ánh một số vấn đề của BOT, dự án của ai, của anh hay của em thì sẽ lộ hết ra! Tôi cũng nói luôn là có vấn đề về lợi ích trong này”.

Thực ra, sau những bất cập, bức xúc về các trạm thu phí BOT, nhất là cái lối đặt trạm “không cho chúng nó thoát”, làm một đằng đặt trạm một nẻo, dư luận đã rộ lên vấn đề “lợi ích nhóm”. Lần này, phát biểu của người từng đứng đầu Bộ GTVT một lần nữa cho thấy, sự nghi ngờ của dư luận là có cơ sở.

Làm BOT ở tuyến đường độc đạo co sẵn, không cho người dân có quyền lựa chọn, khác nào tước quyền đi lại hợp pháp của họ? Không có nhu cầu đi tuyến tránh, muốn đi đường cũ vẫn phải trả tiền, khác nào “móc túi” người dân? Vậy nên không khó hiểu một khi “hội chứng tiền lẻ” cứ ngày càng lan rộng, từ BOT cầu Bến Thủy (Vinh) cho tới BOT Cai Lậy (Tiền Giang), và mấy ngày qua là BOT quốc lộ 5. Đó là một hình thức phản kháng của người dân. Tất nhiên, chúng ta không thể khuyến khích những hành động mang tính phá rối, gây mất trật tự an ninh, cố tình làm ảnh hưởng tới việc đi lại của người khác.

Mấy ngày nay, sau những căng thẳng giữa cánh tài xế và chủ đầu tư trạm Cai Lậy tạm lắng xuống, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) mới triển khai việc đếm xe lưu thông qua đây. Đó là việc tối cần thiết nhưng quá muộn. Đúng ra, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, là một bên trong hợp đồng BOT ký kết với doanh nghiệp chủ đầu tư, cần phải lập trạm đếm xe độc lập theo thời gian thực tại tất cả các trạm BOT trên cả nước, ngay từ khi chúng bắt đầu thu phí.

Chỉ cần làm được một việc này thôi, các trạm BOT đã trở nên minh bạch hơn rất nhiều trong con mắt người dân và công luận. Bởi không thể căn cứ vào lưu lượng xe chưa có thực, được “vẽ” ra trên giấy trong dự án để tính toán mức phí và thời gian thu phí. Việc để các chủ đầu tư dự án BOT lập trạm thu phí rồi tự đứng ra thu phí không khác nào chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Không ai phản đối việc làm BOT đối với các dự án hạ tầng giao thông thiết yếu trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp như hiện nay. Đó là một chủ trương đúng. Song chúng ta quyết không cho phép việc lợi dụng chính sách để “làm xiếc” trên đầu người dân. Nguồn vốn rót vào BOT phần lớn cũng từ chính những đồng tiền tiết kiệm của người dân, tức từ các ngân hàng. Dự án cả ngàn tỷ song lại được chỉ định thầu, thử hỏi tính cạnh tranh và minh bạch ở đâu ? Lưu lượng xe qua lại - yếu tố quyết định mức phí và thời gian thu phí - sao không thấy đại diện bên trả tiền tức người dân giám sát ? Hàng loạt câu hỏi cho thấy sự bất cập đang diễn ra tại nhiều dự án và trạm thu phí BOT trên cả nước.

Vậy câu trả lời, giải pháp nào cho những bất cập nêu trên? Hãy chờ việc rà soát và quyết toán các dự án BOT của Bộ GTVT, như lời nguyên Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa “dự án của ai, của anh hay của em thì sẽ lộ hết ra !”.