Mặt bằng vẫn còn tình trạng “xôi đỗ”
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam.
Dự án có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Giai đoạn 1, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Đến thời điểm này, đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi, mặt bằng được bàn giao 50,89km/60,3km đạt 84,4%. Tỉnh Quảng Ngãi cũng là một trong các tỉnh có tỷ lệ giải phóng mặt bằng (GPMB) rất cao so với các địa phương khác.
Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành toàn tuyến vào quý III năm 2026. Do đó, ngay sau khi khởi công, nhà thầu đã tập trung thi công các hạng mục của dự án. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng thi công, khối lượng công việc đã thực hiện của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đạt tỷ lệ rất thấp (khoảng 2%).
Nguyên nhân do mặt bằng của dự án rơi vào tình trạng “xôi đỗ”, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38,88km, hơn 4km đã có mặt bằng nhưng chưa thể thi công.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, đường găng. “Đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 84%, đây là tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều vị trí còn “xôi đỗ”, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38km”, ông Huy nói thêm..
Cụ thể, một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân tái định cư chưa di dời, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên người dân chưa đồng ý cho nhà thầu triển khai thi công, đền bù xong nhưng người dân mong muốn khai thác xong nông sản mới bàn giao,…
Theo ghi nhận của PV, tại hiện trường 3 điểm đầu ở phía Bắc, huyện Nghĩa Hành; điểm tại huyện Mộ Đức và hầm số 2, tại xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ hiện tốc độ thi công vẫn còn khá chậm, thiết bị, nhân vật lực thi công vẫn còn khá khiêm tốn.
Cũng theo ông Huy, một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân chưa di dời. Do đó, hiện nhà thầu chỉ có thể tập trung tại các hạng mục đường găng của 3 hầm, 2 cầu lớn, các nút giao và một số đoạn cần xử lý đất yếu.
Để đảm bảo tiến độ như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, đơn vị thi công phải tự thỏa thuận với người dân để thuê mặt bằng tiếp cận thi công hạng mục hầm, cầu. Trong ảnh là nhà thầu mở đường tiếp cận vị trí cửa hầm số 2 tại xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ).
“Điểm nghẽn” nguồn vật liệu
Nhu cầu đất đắp toàn tuyến khoảng 12,6 triệu mét khối và nhu cầu cát xây dựng khoảng 1,3 triệu mét khối. Nhà thầu đã chủ động thực hiện công tác khảo sát và trình hồ sơ thủ tục cấp phép khai thác mỏ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu thi công dự án. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp phải rất nhiều khó khăn.
Đối với các mỏ đất đã được quy hoạch giao cho nhà thầu thi công dự án, Bộ TN&MT đã hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác các mỏ vật liệu. Tuy nhiên, Bộ TN&MT hướng dẫn chưa cụ thể dẫn tới các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai trở thành điểm nghẽn của dự án.
Bên cạnh đó, nhà thầu phải tự thỏa thuận đơn giá mặt bằng mỏ vật liệu dẫn đến tình trạng bị ép giá, khiến đơn giá khai thác đất tại mỏ cao hơn nhiều so với đơn giá tính trong dự toán. Hiện, nhà thầu đã làm việc với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ, hầu hết đều đưa ra mức giá đền bù GPMB cao hơn so với mức giá bồi thường cây cối, hoa màu và tài sản trên đất theo quy định.
Đối với các mỏ thương mại, nhà thầu đã khảo sát các mỏ đất thương mại để phục vụ thi công giai đoạn đầu của dự án nhưng đa số các mỏ trữ lượng ít, công suất khai thác thấp và đang cung cấp cho các dự án của tỉnh, do vậy khả năng cung cấp cho dự án bị hạn chế.
Ngoài ra, đường tiếp cận vào một số mỏ thương mại rất khó khăn, nhỏ hẹp và đi qua khu dân cư, khi tăng cường xe vận chuyển khối lượng lớn và hoạt động kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Trước những khó khăn, vướng mắc của dự án, tại chuyến kiểm tra thực địa đầu tháng 3/2023, ông Nguyễn Văn Thắng-Bộ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhằm bàn giải pháp tháo gỡ.
Ông Thắng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng, đặc biệt là các vị trí ảnh hưởng đến đường găng để đủ điều kiện thi công, làm đường công vụ, cầu, hầm nhằm đảm bảo tiến độ của dự án.
“Năm 2023, số vốn giải ngân của Bộ GTVT lên đến hơn 95 nghìn tỷ đồng. Các dự án đang thi công có đủ điều kiện để đẩy nhanh tiến độ vì nguồn lực đã có sẵn. Tiền có sẵn rồi, giờ phải nỗ lực triển khai để đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Thắng nói thêm.