Theo CNN, phong trào Hamas ở Dải Gaza chắc chắn đã lên kế hoạch đối phó với một cuộc tấn công trên bộ dữ dội của Israel sau vụ tấn công của các chiến binh Hamas nhằm vào vùng biên giới nước này hôm 7/10.
Những động thái tiếp theo của Israel sẽ định hình khu vực Dải Gaza trong thời gian tới, thậm chí nhiều thập kỷ tới.
Suốt những năm qua, Hamas đã xây dựng một hệ thống đường hầm đồ sộ dưới Dải Gaza. Họ chắc chắn cũng sẽ đặt bẫy trên mặt đất, và có kế hoạch đối đầu với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bằng bất cứ cách gì, từ đánh bom liều chết đến bắt các nhóm binh lính làm con tin.
Kỹ năng chế tạo bom của Hezbollah, nhóm chiến binh Li-băng và đồng minh thân cận của Hamas, đã lan rộng khắp Trung Đông. Tại Dải Gaza, quân đội Israel biết rằng họ sẽ phải đối mặt với các thiết bị nổ tự chế có thể làm tê liệt xe tăng.
Ngoài ra, Hamas hiện đã có khả năng phòng không. Trực thăng Apache của Israel - được sử dụng để hỗ trợ chặt chẽ cho bộ binh - sẽ dễ bị tấn công bởi tên lửa đất-đối-không.
Để đối phó với điều này, các tướng Mỹ và các quan chức khác đã chia sẻ kinh nghiệm về chiến tranh đô thị trên quy mô lớn với Israel. Quân đội Iraq - với sự hỗ trợ của Mỹ, Anh cùng những cuộc không kích không ngừng nghỉ - từng mất chín tháng để đẩy lùi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi Mosul vào năm 2017.
Thành phố phía bắc Iraq hầu như không có dân thường nhưng giao tranh vẫn diễn ra ở từng ngõ ngách. IS đã sử dụng hệ thống đường hầm mà nhóm này xây dựng để phục kích quân đội chính phủ.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết hôm Chủ nhật: “Bất kỳ tính toán sai lầm nào trong việc tiếp tục tấn công và cưỡng bức di tản đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và cay đắng, cả trong Dải Gaza và đối với người tấn công”.
Theo CNN, phát ngôn của quan chức Iran không nhằm mục đích phân tích, mà là lời đe dọa.
Nhà Trắng biết điều này. Một cái bẫy chống lại Israel có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến kiểu “Xung đột giữa các nền văn minh” như sau vụ khủng bố 11/9.
Mối quan tâm lớn đối với Tổng thống Joe Biden là sự an toàn của các con tin Mỹ ở Dải Gaza và hơn 200 người khác đang bị Hamas cùng các nhóm khác giam giữ trong khu vực này.
Nhưng từ cuối tuần qua, các nguồn tin riêng của CNN ở Washington đã đề cập đến mối lo ngại rằng một chiến dịch trên bộ quy mô lớn của Israel có nguy cơ mất kiểm soát - giống như tình trạng đã xảy ra ở Iraq sau cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ ông Saddam Hussein.
Nhiều công trình ở Dải Gaza bị san phẳng sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: Maxar |
Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu từng so sánh phong trào Hamas với “Đức Quốc Xã kiểu mới, Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểu mới”. Ông kêu gọi “chiến đấu chống lại Hamas như thế giới chống lại Đức Quốc Xã và IS”.
Nhưng trên thực tế, Hamas khác với IS. Phong trào này phản đối hình thức Hồi giáo chính trị của IS và đã nỗ lực để loại bỏ các phần tử IS khỏi Dải Gaza.
Hamas hy vọng thành lập một nhà nước Palestine dựa trên những lời răn của đạo Hồi. Nhưng không có ý định trở thành một đế chế. Hamas cũng chưa từng tấn công bên ngoài Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, cũng chưa khai thác internet để thực hiện các nỗ lực cực đoan hóa trên toàn thế giới.
Nhưng Hamas cam kết loại bỏ Israel, khiến các nhà lãnh đạo phương Tây lên tiếng thể hiện sự ủng hộ Tel Aviv. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba cho biết: “Cuộc đấu tranh (chống lại các nhóm chiến binh) là không khoan nhượng”.
Cảnh hoang tàn ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters |
Khoảng 1.400 người đã thiệt mạng trong các cuộc đột kích của Hamas ở Israel. Trong khi đó, số người Palestine thiệt mạng ở Dải Gaza đã lên đến hơn 5.700 người.
IDF cho biết họ đang cố gắng giảm thiểu thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, một chiến dịch trên bộ của Israel đồng nghĩa với việc những con số này sẽ tăng lên, từ cả hai phía.
Bộ binh Israel tấn công vào Dải Gaza trong đêm 25/10, rạng sáng 26/10. Nguồn: IDF |
Đã có những cuộc tuần hành ủng hộ người Palestine trên khắp thế giới, phản đối các cuộc tấn công mà Israel tiến hành ở Dải Gaza. Nếu một chiến dịch trên bộ được tiến hành thì mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn nhiều - và các cuộc biểu tình sẽ ồn ào hơn.
Trong khi đó, lãnh đạo Hezbollah - Hassan Nasrallah đã gặp phó thủ lĩnh Hamas - Saleh Al-Arouri, và tổng thư ký của Thánh chiến Hồi giáo - Ziad Al-Nakhla đã gặp nhau vào thứ Tư ở Li-băng. Ba nhóm này đều có đối thủ chung là Israel. Ngoài ra, có tin đồn cho rằng các cố vấn từ Lữ đoàn Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, đơn vị tình báo và quân sự quốc tế hàng đầu của Tehran, cũng sẵn sàng giúp đỡ.
Họ đang tìm hiểu những động thái tiếp theo của Israel ở Dải Gaza trong giai đoạn hai của chiến dịch đối phó với Hamas.
Iran cũng được cho là đang muốn lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột ở Israel. Đó là một cuộc xung đột mà Mỹ đang cố gắng tránh. Tổng thống Biden, theo CNN, đang khuyên giới chức Israel nên thận trọng. “Tôi nhắc nhở các bạn điều này: dù các bạn cảm thấy tức giận, thì cũng đừng để bị nó nhấn chìm. Sau ngày 11/9, chúng tôi đã rất tức giận ở Mỹ. Trong khi chúng tôi nhìn thấy công lý và có được công lý, chúng tôi cũng mắc sai lầm”, ông nói.
Những sai lầm đó đã dẫn đến cuộc chiến ở Iraq do Mỹ dẫn đầu, đến niềm tin phổ biến rằng Hồi giáo đang bị phương Tây tấn công, sự hỗn loạn ở Trung Đông, sự bùng nổ của IS cũng như các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới.
“Khi Tổng thống Biden cảnh báo chính phủ Israel không lặp lại những sai lầm mà họ đã mắc phải ở Afghanistan, ông ấy đang nói từ kinh nghiệm thực tế. Như tất cả chúng ta đều biết, Mỹ đã phản ứng thái quá sau vụ 11/9”, Karin von Hippel - cựu cố vấn cho quân đội Mỹ về chống khủng bố cho biết.
Tuy nhiên Martin Sherman - người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược Israel lại không đồng ý. Ông tin rằng Israel nên tiến vào Gaza một cách quyết liệt.