Động lực để Viettel xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

0:00 / 0:00
0:00
Để khắc phục một số hạn chế của hệ thống giáo dục truyền thống, hệ sinh thái giáo dục số của Viettel đã ra đời không chỉ hỗ trợ việc dạy và học mà còn tối ưu công tác quản lý và tạo ra cầu nối giữa ngành giáo dục và xã hội.

“Động lực thôi thúc Viettel tạo dựng hệ sinh thái giáo dục số xuất phát từ ‘nỗi đau’ của ngành gặp phải trong tiến trình chuyển đổi số”, bà Phạm Thị Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Giáo dục số, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) chia sẻ khi nhìn lại hành trình 5 năm theo đuổi dự án. Với người phụ nữ này và các đồng nghiệp, đây là một hành trình đầy cảm xúc.

Hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 ập đến, trường học phải đóng cửa, việc học online, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà trường, dạy và học ngày càng chiếm vị thế quan trọng. Đây cũng là lúc nhiều giải pháp công nghệ của Viettel được lan tỏa mạnh mẽ. Quá trình đó bắt đầu như thế nào?

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, nhóm các giải pháp hỗ trợ đào tạo như K12Online và ViettelStudy đã phát huy tối đa hiệu quả, hỗ trợ thầy trò “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”.

Tuy nhiên, các hệ thống trên không phát triển một cách riêng lẻ mà được quy hoạch để trở thành một mảnh ghép trong hệ sinh thái giáo dục số của Tập đoàn Viettel.

Từ năm 2017, bắt đầu với việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông, đồng bộ trong ngành giáo dục, chúng tôi đã đặt nền móng cho sự hình thành của một hệ sinh thái toàn diện, phục vụ mọi nhu cầu của tất cả các đối tượng thuộc ngành giáo dục, từ cấp quản lý cho tới giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Động lực để Viettel xây dựng hệ sinh thái giáo dục số ảnh 1

Động lực nào thôi thúc Viettel phải tạo dựng một hệ sinh thái chuyển đối số cho nền giáo dục?

Thực tế cho thấy giáo dục là một trong những lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm. Tuy nhiên, cụm từ “ứng dụng công nghệ thông tin” từng khiến rất nhiều giáo viên sợ hãi. Bởi công nghệ thông tin đáng lẽ phải giúp ngành giáo dục và các giáo viên đỡ vất vả thì lại khiến các thầy, cô giáo “việc chồng việc”.

Ví dụ trong nhiều năm qua, các thầy cô phải ghi thông tin học bạ bằng cả hai hình thức: vừa phải viết học bạ giấy, vừa phải nhập kết quả của học sinh vào học bạ điện tử để phục vụ công tác quản lý báo cáo.

Bên cạnh đó, phần mềm phục vụ giáo dục trên thị trường được phát triển bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau. Vì được phát triển một cách riêng lẻ nên các hệ thống này thiếu tính liên thông dữ liệu và phân quyền chặt chẽ.

Điển hình là một trường tiểu học ở Hà Nội sử dụng đến 16 phần mềm. Chưa kể, mỗi khi có chỉ đạo thay toàn bộ hệ thống phần mềm mới và các giáo viên phải nhập lại dữ liệu từ đầu. Bởi vậy, có nơi, thầy cô cấp quản lý có cả một trang A4 chỉ để ghi tên các phần mềm kèm tài khoản, mật khẩu truy cập.

Cũng từ thực trạng này, ngành giáo dục phải đối mặt với nguy cơ thiếu an toàn thông tin khi thông tin người dùng bị phân bổ dàn trải trên những hệ thống nhỏ lẻ, tiềm ẩn rủi ro nhiều rủi ro lớn cho thầy trò và các cấp quản lý giáo dục.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn các cơ sở giáo dục ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, dạy, học, đánh giá, nhưng tình trạng “điều hành bằng điện tử nhưng thanh kiểm tra bằng thủ công” vẫn phổ biến.

Bởi vậy, động lực thôi thúc Viettel tạo dựng hệ sinh thái giáo dục số chính là do Viettel đã “Thấu hiểu những khó khăn của ngành giáo dục và sự vất vả của các thầy cô trong quá trình đồng hành cùng ngành Giáo dục chuyển đổi số.

Động lực để Viettel xây dựng hệ sinh thái giáo dục số ảnh 2

Là người đứng đầu dự án và cũng từng có thời điểm mở trung tâm dạy thêm với mong muốn tìm thầy cô giỏi cho con mình và con của bạn bè. Những kinh nghiệm trong thời gian này đã giúp chị nhận ra những nhược điểm gì của hệ thống giáo dục truyền thống? Điều đó đã giúp ích cho bản thân chị như thế nào khi điều hành dự án này?

Theo tôi, nhược điểm của hệ thống giáo dục truyền thống là tập trung vào người dạy. Giáo viên chủ yếu chỉ đủ thời gian để giảng dạy kiến thức lý thuyết theo lối truyền thụ một chiều do thời lượng tiết học trên lớp không đủ cho các hoạt động tương tác, mà chỉ dừng ở mức “nhớ” và “hiểu” bài.

Cách thức tổ chức lớp học, triển khai chương trình giáo dục, đánh giá học sinh... không cá thể hóa do sĩ số lớp học đông. Từ đó, hạn chế việc phát triển các kỹ năng vốn có của học sinh.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục cũ còn gặp nhiều bất cập trong việc xây dựng về quản lý dữ liệu. Mục tiêu ngành giáo dục hướng đến là đưa ra quyết định, hoạch định chiến lược phải dựa trên cơ sở dữ liệu, vì thế chỉ có tiến hành chuyển đối số thì mới thực hiện được mục tiêu này. Tuy nhiên, do tình trạng một nơi sử dụng nhiều phần mềm, nhiều hệ thống chạy song song nhau, không có sự đồng nhất, liên thông dẫn đến quá trình xuất dữ liệu đầu ra có sự sai lệch.

Nhằm khắc phục nhược điểm của hệ thống giáo dục truyền thống, hệ sinh thái giáo dục số của chúng tôi đã được thiết kế hướng tới dùng giải pháp công nghệ để hỗ trợ các thầy cô và ngành giáo dục, xây dựng một xã hội học tập mở và đảm bảo 5 mục tiêu chính: Tối ưu công tác quản lý điều hành cho ngành giáo dục; Nâng cao chất lượng dạy và học, giảm tải cho giáo viên; Tạo thói quen học tập chủ động cho học sinh; Giúp phụ huynh đồng hành cùng quá trình học tập của con; Trở thành cầu nối thân thiện giữa ngành giáo dục và xã hội.

Viettel đã chọn lĩnh vực nào trong giáo dục là điểm bắt đầu của việc xây dựng Hệ sinh thái? Tại sao Viettel lại chọn lĩnh vực đó là điểm bắt đầu? Điểm bắt đầu đó được bà và các đồng nghiệp tìm ra như thế nào?

Nhận thấy những bất cập và nguy cơ liên quan đến tính đồng bộ của dữ liệu, việc đầu tiên Viettel bắt tay vào đó là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành cho cấp quản lý điều hành của ngành giáo dục - yếu tố quan trọng nhất của hệ sinh thái.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số giáo dục, Viettel đã bám sát những quy định, cấu trúc của Khung kiến trúc chính phủ điện tử 2.0 do Bộ TT&TT ban hành.

Với việc ban hành Thông tư số 26/2019/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã tiên phong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, trong đó quy định mỗi học sinh và giáo viên có một mã số định danh riêng biệt và duy nhất, phục vụ công tác quản lý, báo cáo, kết nối dữ liệu...

Như vậy, việc bắt đầu hệ sinh thái bằng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành vừa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của các đơn vị giáo dục, vừa phù hợp với các thông tư, quy định, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.

Động lực để Viettel xây dựng hệ sinh thái giáo dục số ảnh 3

Một sản phẩm CNTT thực sự “sống” chắc hẳn yếu tố quan trọng hàng đầu là tìm kiếm khách hàng. Làm thế nào để Viettel có thể “tìm được tiếng nói chung” với rất nhiều trường học, sở giáo dục?

Chất lượng nhân lực tham gia chuyển đổi số là yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả chuyển đổi số trong các tổ chức, đơn vị. Ngành GD đặc biệt khó khăn khi các nhân sự chuyên trách CNTT ở cơ sở giáo dục và các cấp quản lý được phân công kiêm nhiệm từ nguồn các thầy cô dạy bộ môn tự nhiên hoặc tin học văn phòng, chưa thực sự hiểu về công nghệ thông tin.

Giai đoạn đầu khi hỗ trợ ngành giáo dục trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, Viettel chỉ nghĩ đến việc xây dựng và cung cấp phần mềm. Bởi đó là thế mạnh của chúng tôi mà chưa tính đến giai đoạn vận hành, sử dụng sản phẩm trong thực tế.

Hiểu khó khăn của các thầy cô trong việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các thầy cô lớn tuổi, nên việc đầu tiên chúng tôi xác định là cần làm ngay là phải tổ chức một đội ngũ nhân viên luôn đồng hành hướng dẫn và hỗ trợ các thầy cô, các trường trong quá trình sử dụng.

Chúng tôi luôn nói với nhau: “Phải đi cùng, trở thành người nhà, người đồng hành, thấu hiểu giáo viên, nhà trường thì mới giúp được họ và mới nhận được sự tin tưởng”.

Sau vài năm, các “táo giáo dục Viettel” tại các tỉnh hiểu các thầy cô, hiểu những khó khăn của ngành giáo dục, thậm chí hiểu cả kịch bản sư phạm để hướng dẫn các thầy cô ứng dụng các tính năng trong các nền tảng công nghệ để bổ trợ cho phương pháp thay đổi phương pháp giảng dạy tới học trò.

Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái giáo dục số, Viettel đã bám sát những nhu cầu thực tiễn nhằm tìm ra lời giải cho bài toán đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Với hệ sinh thái giáo dục số Viettel, người dùng chỉ cần một tài khoản duy nhất để đăng nhập vào các nền tảng.

Động lực để Viettel xây dựng hệ sinh thái giáo dục số ảnh 4

Trong quá trình tiếp xúc với những người trực tiếp làm trong ngành giáo dục, các kỹ sư của Viettel đã học hỏi được những gì? Điều đó đã giúp dự án có những bước ngoặt thay đổi đáng kể thế nào?

Trong suốt 2 năm đầu triển khai hệ sinh thái giáo dục số, tôi đã cùng đồng đội đi “gõ cửa” 55 tỉnh, thành để giới thiệu, thuyết phục áp dụng một hệ sinh thái tổng quan cho ngành giáo dục. Đến hôm nay, đã có hơn 5 năm liên tục hỗ trợ thầy cô, nhà trường làm quen, ứng dụng hiệu quả công nghệ vào các nghiệp vụ sư phạm và quản lý đào tạo, giúp tối ưu chất lượng các hoạt động giáo dục. Đây là một hành trình đầy cảm xúc không chỉ của riêng tôi mà của tất cả “táo giáo dục Viettel”.

Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành của Viettel về công nghệ và đội ngũ nhân sự hỗ trợ 24/7, các thầy cô đã và đang tự tin hơn ứng dụng các nền tảng công nghệ vào các hoạt động dạy, học, đánh giá, quản lý. Họ sẽ dần nhận ra rằng họ cần thay đổi không chỉ về nhận thức mà còn cần thay đổi thói quen, phương thức quản lý và phương thức dạy, học, đánh giá với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ.

Tiếp xúc với đội ngũ nhà giáo, chúng tôi đã nhận được rất nhiều góp ý, chia sẻ chân thành, đó chính là những chất liệu quý giá giúp chúng tôi tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. “Phần thưởng” lớn nhất mà chúng tôi nhận được đó là cái “ôm” và lời nhắn cảm ơn của rất nhiều thầy cô hiệu trưởng và lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục khi hai bên phối hợp triển khai hệ thống.

Động lực để Viettel xây dựng hệ sinh thái giáo dục số ảnh 5

Dường như Covid-19 là “cú hích” khiến ý nghĩa của hệ sinh thái giáo dục số Viettel được khẳng định tầm quan trọng và nhanh chóng lan tỏa? Dù vậy, dịch chắc chắn sẽ qua đi và chúng ta vẫn phải khẳng định rằng việc dạy học trực tiếp tại trường là điều không thể thay thế. Vậy những đóng góp của hệ sinh thái giáo dục này sẽ tiếp tục lan tỏa ý nghĩa như thế nào trong thời gian tới khi cuộc sống trở về trạng thái bình thường?

Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, đã được hoạch định bởi chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo nhưng Covid-19 đúng là cú hích đẩy nhanh tốc độ của tiến trình này.

Cụ thể, trong thời gian có giãn cách, không thể đến trường dạy và học trực tiếp, giáo viên và học sinh buộc phải chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Khi bắt đầu, hầu hết các thầy cô và trường học chỉ ứng dụng các nền tảng cung cấp tính năng hội họp truyền hình để gặp học sinh và dạy học. Với hình thức này, nhà trường và các giáo viên gặp khó trong việc truyền tải tới học sinh.

Với các giải pháp công nghệ, các thầy cô đã dần thay đổi thói quen cũ, có sự kết hợp giữa dạy, học trực tiếp và sự hỗ trợ của công nghệ. Các thầy cô sẽ dần nhận ra rằng các nền tảng công nghệ thực sự đã hỗ trợ họ rất nhiều trong công tác giảng dạy và đánh giá học sinh.

Ngay từ khi đồng hành cùng ngành giáo dục, Viettel đã là hướng đến tương lai lâu dài đồng hành cùng ngành giáo dục. Vì vậy, chúng tôi xác định rằng Viettel có thể sẽ mất nhiều thời gian rất lâu để cùng các thầy cô tạo dựng những thói quen mới, nếu thế hệ chúng tôi chưa làm xong thì các thế hệ tiếp theo của Viettel sẽ tiếp nối để đồng hành cùng ngành giáo dục, tiếp tục đưa những nền tảng giáo dục tốt vào ngành giáo dục để đáp lại niềm tin của các thầy cô đối với Viettel.

Vì các lý do trên, ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, hệ sinh thái giáo dục số của Viettel vẫn đóng vai trò là giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực cho mọi đối tượng trong ngành giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý vận hành.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.