Ngô Phan Lưu bắt đầu viết từ năm 1995, cách đây 10 năm mới công bố tác phẩm lần đầu tiên. Năm 2004, ra tập truyện ngắn đầu tay Người không giăng câu Kiều (NXB Văn hóa Thông tin).
Anh cho biết khi chưa ai biết mình viết văn thì bà con lối xóm đã gọi anh là ông Ba Lưu nhà văn- vì anh hay đọc sách.
Nhỏ thó, nhanh nhẹn, Ngô Phan Lưu say mê và đến với môn Teakwondo trước văn chương.
Tỉnh rụi, Ba Lưu làm cho đám phóng viên cười phá lên khi phân bua: “Đầu tiên tôi làm thơ. Thơ dở quá viết truyện. Đấy quy luật mà! Vô con đường văn chương thì phải làm thơ đã. Thất bại thơ thì viết truyện. Truyện thất bại nữa mình làm nhà phê bình. Phê bình hỏng nữa thì làm NXB. Xuất bản lỗ thì mình quay lại làm thơ!”.
Đọc Buổi sáng biến mất và Cơm chiều và căn cứ vào phát ngôn của anh trên Văn nghệ, có thể xem anh (sẽ) là nhà văn chuyên viết về cái ác?
Có thể lắm. Nhưng viết cái ác trên nền tảng thiện, lòng thiện. Có những câu tôi tự hỏi nhấn chìm tôi. Thí dụ người ta quý cái gì? Đương nhiên quý cái thiện.
Người ta ghét gì, sợ gì? Đương nhiên là cái ác. Nhưng hỏi một câu nữa. Vậy cái ác sợ gì? Cái ác sợ cái ác hơn thôi. Còn cái ác không ngán cái thiện đâu! Đấy là một vấn đề cực kỳ gay go. Vậy mình phải làm sao phát huy cái thiện. Còn cái ác mình phải đối mặt.
Anh viết về đề tài cái ác từ xưa hay gần đây mới viết?
Nó cứ ám ảnh tôi hoài. Trong tương lai tôi cũng viết theo chiều hướng nặng vậy, u ám nhiều đấy! Ca ngợi tôi viết không được. Trốn tránh cái ác, tôi viết không có chiều sâu.
Viết về cái ác thường bị nhiều người ghét hơn. Anh gặp trở ngại gì chưa trong cuộc sống do chuyện viết lách?
Có nhiều người đọc sách tưởng “tôi” trong truyện là tác giả hay sao đó, cứ nói ổng đấy, ác thế! Đọc những cái ấy người ta ít bằng lòng. Nhưng đấy là họ suy nghĩ chưa tới thôi. Thật sự cái ác mình không thể lẩn tránh được mà phải dũng cảm đương đầu.
Khát vọng Hồ Thị Ngọc Hoài
Hồ Thị Ngọc Hoài |
Hồ Thị Ngọc Hoài được in truyện ngắn lần đầu trên báo Tiền phong năm 20 tuổi. Bẵng đi một thời gian, không có điều kiện sáng tác, bây giờ cô mới viết lại.
“Nói chung được Văn nghệ đăng cũng vui rồi, không dám mơ đến giải đâu” - Ngọc Hoài nói. Sinh năm 1972, Hoài đang dạy Văn tại trường THPT Tân Kỳ, Quỳnh Lưu- Nghệ An.
Lý do phải bỏ học ngang xương “bây giờ kể ra cũng hơi dài”. Chỉ biết là “quá tam ba bận”, Hoài mới đến được với giảng đường ĐH.
Đầu tiên, chị đỗ vào K30, nghỉ học. Đến K37 tự ôn chương trình mới để thi lại, nhưng bài thi Sử lại gặp trục trặc, phải gửi ra “nhờ” Thanh tra Bộ Giáo dục chấm lại mất 1 năm. Chị trở thành sinh viên Văn K38- ĐH Sư phạm Vinh.
Khi được hỏi, gửi gắm điều gì trong tác phẩm được giải, Hồ Thị Ngọc Hoài trả lời: “Khát vọng đi ra chiếm lĩnh nắm bắt những cái mới nhất, hiện đại nhất, quan trọng nhất của tương lai. Đồng thời gìn giữ những gì tươi đẹp đáng trân trọng của hôm qua đã làm nên mình. Thường thường cái hôm qua có người lưu giữ được cũng có người mất dần đi. Cái mất dần đi trở thành niềm đau đáu trong tâm linh”.
Thung Lam kể chuyện đời của nữ nhân vật muốn bay nhảy và sẵn sàng đương đầu với đời sống bên ngoài, nhưng vẫn luôn trở về với Thung Lam- nơi đã gắn bó với mình. Hoài mất 2 tháng hè chỉ để sửa sang cho Thung Lam: “Rút kinh nghiệm những lần trước viết rồi gửi vội, thường không thành công” - Hoài bảo.
Trong năm học, Hoài không viết được gì, chị tỏ ra tiếc nhưng: “Công việc của nhà giáo bận bịu quá, soạn bài, lên lớp, chấm bài...”.
Có ý tưởng gì nảy sinh trong 9 tháng đó, Hoài ghi chép lại để đến hè xem có thể phát triển tiếp được không. “Mình là nhà giáo trách nhiệm nặng nề rồi, bây giờ còn đam mê văn chương nữa thì hơi tham” - Chị tâm sự -”Hy vọng sau này có điều kiện giao lưu, đi nhiều hơn, chứ ở chôn mình một chỗ rất khó viết”.