Động đất ở Trung Quốc: Có tác động của đập Tam Hiệp?

Động đất ở Trung Quốc: Có tác động của đập Tam Hiệp?
TP - Về chính thức, trận động đất làm chết hàng chục nghìn người ở tỉnh Tứ Xuyên được quy là do hoạt động kiến tạo, các chuyên gia vẫn cho rằng trữ đầy nước vào hồ chứa khổng lồ của đập Tam Hiệp có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm động đất.

Trong một bài đăng trên tạp chí Scientific American, các nhà khoa học giải thích rằng hồ chứa nước Tam Hiệp nằm trên hai đứt gãy chính, gồm Cửu Hoàn Tây và Tử Quỷ-Bát Động.

Theo Phan Tiêu, nhà địa chất học thuộc Ủy ban Khai thác&Thăm dò Địa chất Nguồn Khoáng sản ở tỉnh Tứ Xuyên, thay đổi mực nước trong hồ sẽ khiến các đứt gãy bị căng ra.

“Khi thay đổi trạng thái cơ học của đường đứt gãy, hoạt động của đứt gãy sẽ gia tăng và, đến một giới hạn nào đó, sẽ dẫn đến động đất”.

Chính các kỹ sư Trung Quốc cho rằng các đập nước phải chịu trách nhiệm về ít nhất 19 trận động đất trong năm thập kỷ qua, từ những rung động nhỏ cho đến trận động đất xảy ra gần đập Tín Phong Giang của tỉnh Quảng Đông năm 1962 với biên độ 6,1 trên thang độ richter, đủ để làm đổ sập nhà cửa.

Kể từ khi hồ Tam Hiệp bắt đầu trữ nước vào năm 2003, đập Tam Hiệp gây ra hàng loạt hoạt động địa chấn trong khu vực hồ chứa.

Tổ chức Diễn đàn Kinh doanh thế kỷ 21 danh tiếng từng thông báo hồi năm 2003 rằng, theo Hứa Quảng Bân, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa&Giám sát Động đất Hồ Bắc, “có tới 1.000 trận động đất cỡ nhỏ xuất hiện ở hồ chứa Tam Hiệp kể từ  ngày mùng 7/6, trong đó có trận rung động mạnh 2,1 độ richter” cho dù “các rung động này chưa gây tác động đáng kể nào đến đập và hồ chứa và cũng chưa gây nguy hại nào”.

Ông Hứa nói hoạt động địa chấn năm 2003 tập trung chủ yếu ở vùng Bát Động, cách đập Tam Hiệp 80 km về phía thượng lưu.

Tuy nhiên, khi mực nước dâng lên ngày càng cao, các cơn chấn động ghi nhận được sẽ ngày càng lớn và thường xuyên hơn, Diễn đàn Kinh doanh Thế kỷ 21 (21st Century Business Herald ) cảnh báo.

Tháng 10/2006, khi nước ở hồ chứa đạt cao trình 156 m so với mực nước biển thì xảy ra một trận động đất mạnh nhất ở tỉnh Hồ Bắc trong vòng hai thập kỷ qua, làm rung chuyển cả những vùng gần đập Tam Hiệp với độ mạnh 4,7 độ richter, khiến 5.860 người phải rời nhà lánh nạn.

Tâm chấn nằm ở thị trấn Tam Lệ Cương thuộc thành phố Tuý Châu. Tâm chấn cách công trình Tam Hiệp 200 km về phía đông bắc thế mà vẫn làm rung chuyển nhà cao tầng ở thành phố Dật Xương gần đập.

Khoảng bảy tháng sau khi tăng mực nước hồ chứa năm 2006, học giả Lý Vương Bình, Viện Hàn lâm Công nghệ Trung Quốc, khu vực đập Tam Hiệp ghi nhận được 822 rung động tuy vẫn chưa gây hại gì cho đập.

Nhưng năm nay, khi mực nước dâng lên đến mức 175 m, áp lực nước tăng lên, khiến cho khả năng gây rung động tăng lên rõ rệt.

Hai nhà khoa học Trung Quốc, Lý Bằng và Lý Vương Quân, đều là giáo sư xây dựng dân dụng tại Đại học Vũ Hán. Họ đều tin rằng rung động gây bởi hồ chứa Tam Hiệp là vấn đề không thể đùa. Hai ông từng kêu gọi đổ nhiều tiền của để nghiên cứu các vấn đề rung động ngay từ năm 2003.

Nghiên cứu của họ tập trung vào hai khu vực có hoạt động kiến tạo là các đứt gãy Ân Thi-Ba Động và Huyền Nô Sơn.

 “Chúng tôi đặc biệt quan ngại rằng cả hai đứt gãy hoạt động mạnh này đều nằm gần khu vực đập, chạy phía dưới hồ chứa”, báo cáo của họ viết.

 “Chỉ cần một trận động đất trung bình cũng đủ để gây ra một loạt rung động cho khu vực hồ chứa, dẫn đến lở đất, sói lở bờ sông gần vùng chấn tâm. Hậu quả có thể sẽ rất kinh khiếp và hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi”.

“Hai năm qua, chính phủ Trung Quốc đầu tư bốn tỷ nhân dân tệ (tương đương 7.760 tỷ VND) vào công trình để phòng ngừa và kiểm soát thảm họa địa chất ở khu vực đập Tam Hiệp”, báo cáo viết tiếp.

“Tuy nhiên cần có nhiều tiền và nhân lực hơn nữa thực hiện các nghiên cứu địa chất sống còn tại khu vực này”. 

MỚI - NÓNG