Kiểu bạo hành gia đình khó tin 'thời @': Kỳ 1
Đòn thù rợn người của những gã đàn ông bệnh hoạn
Bạo lực - khái niệm thường chỉ được nhắc đến trong các cuộc chiến, vậy mà nay lại gắn chặt với hai chữ “gia đình” - nơi vẫn được coi là tổ ấm yên bình. Tại sao lại như vậy, bạo lực gia đình do đâu mà có? Câu hỏi này vẫn đang làm đau lòng nhiều người...
Ảnh minh họa. |
Hành hạ vợ để... tha thứ
Chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê quan họ. Hình thức khá nên chị được nhiều thanh niên trong làng để ý và chị đã nhận lời yêu anh, một thanh niên thật thà, hiền hậu, chất phác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà họ không thể tiến tới hôn nhân. Nhận lời lấy người chồng bây giờ, chị không hề biết rằng mình đã có thai với người yêu cũ.
Sau khi cưới về được một thời gian, chị mới biết và người chồng cũng phát hiện ra cái thai đó không phải là của mình. Chồng chị hứa tha thứ nếu chị phá thai, chị tin lời làm theo. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 18 năm trôi qua, hai vợ chồng có hai đứa con xinh xắn, học giỏi, bản thân chị cũng là vợ thảo, dâu hiền, mẹ tốt nhưng chưa bao giờ chồng chị thực hiện lời hứa đó.
Anh cờ bạc, rượu chè, nghiện hút và đánh đập vợ bất kỳ lúc nào, kể cả lúc chị mang thai. Vừa đánh anh vừa nguyền rủa chị vì đã làm cho anh chán đời. Có những đêm đông lạnh giá, chị bị chồng lột hết quần áo, bắt đứng giữa nhà để tra hỏi mày đã ngủ với nó thế nào, mấy lần, ở đâu. Chưa đủ, anh còn dọa sẽ kể chuyện của chị cho các con và đây là điều chị sợ nhất vì không muốn làm tổn thương lũ trẻ. Con gái lớn của chị vì bênh mẹ cũng bị bố sỉ nhục, hành hạ, mối quan hệ hai cha con thường xuyên căng thẳng. Đến một ngày sau khi đi nhậu với bạn nghiện về, chồng chị lại lôi chị ra để tra hỏi chuyện cũ. Chưa thỏa mãn anh ta còn dùng điếu cày đánh vợ tóe máu.
Ghen tuông đứng hàng thứ hai
Trong câu chuyện trên, nguyên nhân khiến người vợ bị chồng bạo hành chính là do ghen tuông. Và đây cũng là nguyên nhân đứng hàng thứ hai làm phát sinh tình trạng bạo lực gia đình theo thống kê của những người thực hiện dự án Ngôi nhà Bình yên. Cũng theo thống kê này có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình như nguyên nhân về tâm lý và nhận thức, nguyên nhân từ lối sống và hoàn cảnh sống, nguyên nhân từ môi trường quản lý xã hội...
Có những ông chồng tuy sống trong xã hội hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên nếp nghĩ “chồng chúa, vợ tôi”, “trọng nam, khinh nữ”, coi đánh vợ như là một sự giáo dục, thể hiện quyền lực của “bề trên” đối với “kẻ dưới”. Và, đáng buồn là tình trạng này xảy ra trong mọi tầng lớp không kể người giàu, người nghèo, trí thức hay thị dân.
Chị L.T.D (30 tuổi, ở Gia Lâm) kể lại chuyện mình trong bộ dạng đôi mắt, cánh tay tím bầm, sưng húp. “Vừa đánh chửi xong vài phút anh ta lại ôm tôi và nói xin lỗi. Rồi véo tay một cái, cấu vai một cái cứ như là yêu vậy. Anh ta vừa đánh chửi, giờ lại đụng chạm vào người mình như thế thì thật ghê tởm. Thế nên thời gian đấy tôi thường xuyên bị sốt 38 độ. Có lần tôi đã trèo lên thành cầu Đuống và định nhảy xuống. Trong mơ tôi cũng không thể nghĩ rằng tôi có một người chồng khủng khiếp như thế! ”, chị D hồi tưởng.
Những con người bệnh hoạn
Hiểu biết hạn chế, dân trí thấp cộng với những suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, lối sống cũng là nguyên nhân không kém phần quan trong gây ra bạo lực gia đình.
Những lời kể của P.T.N (12 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) nghe thật kinh hoàng nhưng đó lại là sự thật: “Bố cháu đổ cơm xuống đất bắt cháu ăn, nhúng chiếc áo đồng phục của cháu vào phân rồi bắt cháu mặc đến trường. Còn mẹ cháu ngồi cạnh ép cháu ăn hết bát phân. Lúc đó cháu mới học lớp 5. Bố mẹ cháu cho rằng cháu là nguyên nhân nỗi bất hạnh của hai người nên họ căm ghét cháu. Cháu khiếp sợ bố và cảm giác ấy lại ập về mỗi khi có cái gì đó gợi nhớ đến ông ấy, thậm chí là chương trình tivi bố cháu hay xem”.
Thiếu hiểu biết pháp luật một cách nghiêm trọng đã biến nhiều người không những thành kẻ vũ phu mà còn có nguy cơ phạm tội xâm phạm nhân phẩm và thân thể của người khác như hành động của người chồng cũ của chị T.N.L (30 tuổi sống ở Long Biên, Hà Nội).
Theo lời chị L, chồng chị thường xuyên theo dõi chị, và còn có cả một quyển sổ ghi chép xem vợ đi đâu, làm gì, mặc gì. Hễ chị đi làm về là anh tra xét, mắng chửi xong lại bắt chị làm “chuyện đó” ngay. Ngày nào cũng vậy. Không thể chịu nổi, chị ly hôn. Sau ly hôn, người chồng cũ vẫn thường xuyên hành hạ chị bằng cách gửi vàng hương đến nhà, mang ảnh chân dung chị, bát cơm, quả trứng đến cơ quan chị...
Không biết mình là nạn nhân của tội phạm đặc biệt
Theo Tiến sĩ Lê Quang Sơn (ĐH Đà Nẵng), “đằng sau những tệ nạn bạo lực gia đình còn có lý do sâu xa khác. Đo là trình độ văn hóa thấp dẫn đến sự kém hiểu biết về quyền của mình của bản thân những người trong cuộc. Có địa phương mỗi năm có hàng trăm người tự tử vì bạo lưc gia đình nhưng chưa ai lên tiếng về vấn đề này. Trong số những người bị bạo hành gia đình rất nhiều người thậm chí không biết mình là nạn nhân của tội phạm đặc biệt. Nhiều người trong số họ chỉ mong giải thoát khỏi người chồng/cha/ anh bạo hành mà không cần biết người gây ra những đau đớn cho mình bị xử lý thế nào”. |
Theo Hoàng Yên
Pháp Luật Việt Nam