Bến xe phía Nam Hà Nội, với diện tích 3,7 ha nằm ven đường Giải Phóng thuộc địa bàn phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) là một đầu mối giao thông quan trọng nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.
Hàng ngày, có khoảng 800 - 850 lượt xe liên tỉnh của 70 đơn vị vận tải hành khách đi 30 tỉnh, thành phố mà chủ yếu là các tỉnh phía Nam và khoảng 1.100 lượt xe buýt, 70 lượt xe taxi của hai hãng Sài Gòn và Triệu Quốc Đạt đã vận chuyển khoảng 26.000 lượt hành khách.
Trong khu vực bến xe có 50 kiốt và quầy bán hàng, hàng trăm người bán hàng rong và gần 300 người làm nghề “xe ôm” hoạt động.
Anh Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe phía Nam- cho biết: Thời gian trước “xe ôm” trong bến rất đông và lộn xộn, mạnh ai nấy làm. Bến xe cùng Công an quận Hoàng Mai đã giải tỏa họ ra khỏi bến, tuy nhiên tình hình an ninh trật tự vẫn chưa ổn định.
Những người làm nghề “xe ôm” dù biết vi phạm, nhưng họ vẫn làm vì miếng cơm manh áo. Mỗi khi có công an đến kiểm tra, cánh “xe ôm” lại đối phó bằng cách chạy trốn.
Khi công an đi khỏi, họ lại tụ tập với số lượng lớn tại các khu vực vỉa hè, lòng đường trước bến xe, gây mất trật tự trị an, an toàn giao thông. Trước thực trạng này, các ngành các cấp đã có nhiều cuộc thảo luận để tìm giải pháp nhằm đưa hoạt động “xe ôm” đi vào nề nếp.
Thượng tá Trần Văn Hanh- Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết: Được sự chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP Hà Nội, Công an quận đã đề nghị Cty quản lý Bến xe phía Nam nghiên cứu, đưa “xe ôm” trở thành một loại hình dịch vụ vận tải, dưới sự quản lý của một Cty hoặc tổ chức nhất định. Với đầy đủ các yêu cầu đặt ra, Cty TNHH Đại Phát được chọn làm công việc này.
Ngày 15/3/2007, đội “xe ôm” của Bến xe phía Nam được thành lập gồm 150 người. Họ đã có diện mạo mới, toàn bộ những người trong đội được cấp trang phục, thẻ đeo và có một vị trí quy định để tập hợp đón khách. Khi xe vào bến, tất cả lái “xe ôm” phải đứng cách xe 2 mét, không được xúm lại lôi kéo, mời mọc. Khách chọn đi xe của ai thì người đó chở, các lái xe không tranh giành và va chạm với hành khách. Giá cả vẫn do khách hàng và lái xe ôm tự thoả thuận.
Khách đi xe sẽ được bảo hiểm
Anh Trịnh Ánh Bão - Giám đốc Cty TNHH Đại Phát - cho biết: Chúng tôi quản lý theo mô hình doanh nghiệp, có hợp đồng lao động, đóng thuế và trả lương cho những người quản lý, người lao động trên cơ sở thu nhập theo kết quả làm việc hàng ngày.
Hiện nay, hoạt động của đội lái “xe ôm” đã đi vào nề nếp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành niêm yết giá công khai, phân nhóm lái “xe ôm” theo địa bàn. Tất cả các xe đều trang bị công tơ mét, lái xe phải có bằng lái và khách đi xe sẽ được bảo hiểm. Mỗi lái xe sẽ được trang bị máy nhắn tin, hoặc điện thoại di động để dễ điều hành, tại bến xe có trung tâm chỉ huy.
Trung tá Nguyễn Bá Riến- Trưởng trạm Cảnh sát Bến xe phía Nam - cho biết: Sau gần hai tháng triển khai, tình hình đã được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh được cung cấp tư trang cần thiết, họ còn được lực lượng công an trang bị những kiến thức phòng ngừa tội phạm, nêu cao tinh thần cảnh giác và phát hiện tội phạm thông báo cho công an xử lý. Công an cũng đã xác minh lý lịch của người lái “xe ôm” ở địa phương.
Những người lái “xe ôm” muốn vào đội “xe ôm” phải nộp hồ sơ, giấy khám sức khỏe để chuẩn hóa đội ngũ. Thời gian qua đã có rất nhiều “xe ôm” cung cấp và cùng công an bắt nhiều vụ trộm cắp tài sản của hành khách. Do vậy, các vụ phạm pháp hình sự tại Bến xe phía Nam đều giảm so với trước, không xẩy ra vụ án nghiêm trọng, công tác điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 83%.
Vũ Tiến Minh
(Văn phòng CATP Hà Nội)