Trên thực tế, đây cũng chính là niềm đau đáu của nền kinh tế Việt. Nói với Tiền Phong, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng than: Nỗi khổ của hệ thống ngân hàng bây giờ là bất cứ lĩnh vực nào (từ nông nghiệp, công nghiệp, bất động sản, đến chứng khoán, tiêu dùng...) hễ cần cung ứng vốn đều nhăm nhe “gõ cửa” ngành (50% vốn DN sử dụng từ vay ngân hàng). Chính điều này đang đặt gánh nặng lên vai các tổ chức tín dụng. Thậm chí, theo phân tích, nếu kéo dài, đây sẽ trở thành điểm nghẽn cho phát triển kinh tế.
Trong một diễn biến khác, ngày 4/6, Chính phủ triệu tập họp gấp Tổ đầu tư công. Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng KH&ĐT thừa nhận, qua 6 tháng, Bộ này mới giao được hơn 5.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Còn vốn TPCP chuyển nguồn mới giao được hơn 6.000 tỷ đồng. Tính ra, vốn TPCP chưa giao vẫn còn gần 55.000 tỷ đồng.
Cùng lúc, Bộ Tài chính cũng chỉ ra, kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm quá thấp, chỉ bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định. Kho bạc Nhà nước bày tỏ sự sốt ruột khi sau nửa năm đã phát hành được 3/4 số lượng TPCP để huy động vốn cho thực hiện các công trình, dự án nhưng việc giải ngân lại đi với tốc độ rùa bò.
Tiến độ giao vốn và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2017 chậm trễ như trên, theo Chính phủ, đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới việc làm, thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7. “Cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra để làm rõ trách nhiệm của ai giao vốn chậm”, ông nói.
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là một thách thức. Để đạt mục tiêu này, tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%.
Việc lạm phát thực từ đầu năm tới nay chỉ tăng khoảng 0,2% là cơ hội để đưa giá những mặt hàng, dịch vụ cơ bản về với giá thị trường, như giá xăng dầu, điện, y tế, giáo dục… Nhưng bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm nay sẽ ra sao? Liệu tăng trưởng GDP có cán đích 6,7% như mục tiêu đã đề ra? Lời giải chẳng đâu xa phải ở chính hành động của các bộ ngành, doanh nghiệp thay vì ngồi trông chờ, đợi vốn.