Đội tuyển Tây Ban Nha: Lộ trình khó khăn

Andres Iniesta (trái, Tây Ban Nha) ghi bàn quyết định trong chiến thắng Hà Lan ở chung kết World Cup 2010.
Andres Iniesta (trái, Tây Ban Nha) ghi bàn quyết định trong chiến thắng Hà Lan ở chung kết World Cup 2010.
Cựu tiền vệ Marcos Senna tuyên bố: “Tây Ban Nha sẽ lại vô địch. Mọi chuyện dĩ nhiên sẽ khó khăn vì World Cup kỳ này tổ chức tại Brazil, nhưng Tây Ban Nha vẫn đang sở hữu đội hình mạnh nhất thế giới!”.

Thật ra, sức mạnh đó đã không còn vượt trội như trước nữa, và những khó khăn mà Tây Ban Nha gặp phải đã bắt đầu ngay từ vòng loại World Cup chứ chẳng đợi đến vòng chung kết World Cup. Sid Lowe, đặc phái viên của nhật báo Guardian (Anh) tại Madrid, lưu ý: “Có một cái gì đó hơi bất thường xảy ra với thầy trò HLV Del Bosque - họ không toàn thắng như trước nữa. Ở vòng loại World Cup 2010 và EURO 2012, họ thi đấu tổng cộng 18 trận và thắng cả 18. Ngược lại, trong vòng loại World Cup 2014 vừa rồi, đã có lúc người ta lo sợ rằng Tây Ban Nha sẽ không qua nổi hoặc ít ra thì cũng không giành được tấm vé nhất bảng”.

Thật vậy, 2 trận hòa liên tiếp trong chiến dịch vòng loại đã đẩy họ vào tình thế buộc phải thắng trên sân Pháp nếu muốn thoát nỗi phiền phức tranh vé play-off. Quả nhiên họ đã thắng 1-0, với pha ghi bàn duy nhất của Pedro. Nhưng cho dù nhiệm vụ đã hoàn thành và cho dù các học trò của Del Bosque một lần nữa chứng tỏ độ tin cậy, điều đó vẫn không xóa được cái cảm giác Tây Ban Nha đã trở nên bấp bênh hơn xưa. Họ vẫn giữ bóng cực tốt, khống chế đối phương gần như mọi trận đấu, tuyến giữa vẫn đan bóng rất điệu nghệ, nhưng họ càng lúc càng khổ nhọc trước những hàng phòng ngự dày đặc. Họ sẽ đi Brazil 2014 với cương vị ứng viên vô địch, nhưng người ta e rằng ngôi vương lần này sẽ vượt quá tầm tay thầy trò Del Bosque.

Vì nhiều lý do. Trước hết là hành trình thi đấu. Trận đầu tiên ở Brazil, họ gặp ngay Hà Lan, đối thủ của chính họ ở trận chung kết tại Nam Phi cách đây 4 năm. Kế tiếp, họ đụng Chilê rồi gặp Australia. Trong 3 đối thủ đó, có ít nhất 2 đội cũng rất điêu luyện về kỹ thuật và đầy mưu mẹo trong thi đấu nên sẽ không dễ cho Tây Ban Nha. Chẳng những vậy, thách thức ở đây còn là phải làm sao đạt được thành tích thật hoàn hảo để giành được chiếc vé đầu bảng, bởi vì nếu nhì bảng thì Tây Ban Nha có nguy cơ gặp ngay đội chủ nhà Brazil ở vòng trong. Bởi vậy, giá như Tây Ban Nha... nhường cho Pháp đứng đầu ở vòng loại thì có lẽ giờ này họ đã được rung đùi an hưởng một lộ trình nhẹ nhàng hơn rất nhiều ở vòng chung kết.

Mối lo kế tiếp của Tây Ban Nha là phong độ và thể lực ở những vị trí cốt yếu. HLV đội tuyển Hà Lan, ông Louis van Gaal nhận định: “Nếu Iniesta và Xavi sung mãn ở World Cup kỳ này, mọi đối thủ sẽ gặp khó khăn lớn bởi vì đây là 2 vị trí nền tảng trong cả hệ thống thi đấu của Tây Ban Nha”. Thế nhưng, vấn đề là Xavi hình như... không sung mãn. Người tiền vệ được xem là trái tim và linh hồn trong lối chơi của cả Barcelona lẫn đội tuyển này đã trải qua một mùa bóng đầy khó khăn chật vật. Thêm nữa, vì Xavi bây giờ đã 34, sức bật và khả năng hồi phục chắc chắn không thể nào bằng tuổi đôi mươi.

Tương tự, khâu phòng thủ cũng đang để lại khá nhiều dấu hỏi, nhất là khu vực thủ môn và vị trí trung vệ. Iker Casillas chỉ thi đấu Cúp Nhà Vua và Champions League chứ không được bắt chính một trận nào trong mùa giải La Liga vừa rồi. Trong khi đó, thủ môn số 2 là Victor Valdes do dính chấn thương nặng nên không có tên trong danh sách đi World Cup. Trung vệ Gerard Pique cũng dính chấn thương nên đã vắng mặt trong nhiều vòng đấu La Liga sau cùng. Còn Sergio Ramos thì đã vắt kiệt sức lực vào trận chung kết Champions League hôm 24-5. Nói chung, danh sách tuyển Tây Ban Nha kỳ này vốn đã ít trung vệ giỏi lại còn bị bào mòn năng lượng.

Điều đó càng dồn nhiều trách nhiệm lên hàng tấn công. Bóng đá Tây Ban Nha đã khẩn trương đưa một tiền đạo nhập tịch như Diego Costa vào đội tuyển là bởi họ hy vọng trung phong người Brazil này sẽ giúp khâu ghi bàn khởi sắc hơn ở Brazil. Tuy nhiên, một là Diego Costa cũng mới bị chấn thương gần đây và hai là đặc thù lối chơi của Tây Ban Nha lại không tạo ra nhiều khoảng trống cho những trung phong như Costa tung hoành...

Theo Tiến Minh

Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.