Dời nhà máy thép nghìn tỷ lên thượng nguồn sông Vu Gia

TP - Tỉnh Quảng Nam vừa đồng ý về chủ trương cho Cty TNHH thép Việt Pháp xây dựng nhà máy luyện cán thép quy mô 975 tỷ đồng tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam)  trong khi Đà Nẵng đang lo lắng vì dự án có thể đe dọa đến sự an toàn của nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho thành phố.
Ô nhiễm khiến người dân bức xúc chặn đường vào nhà máy để phản đối. Ảnh: H.V

Theo số liệu của Chi cục Thuế Quảng Nam đóng góp vào ngân sách hàng năm của dự án này (tại Điện Bàn) chỉ có… 15,6 triệu đồng trong suốt 2 năm 2014-2015 !

 Di dời vì ô nhiễm?

Năm 2012, Cty thép Việt Pháp chính thức hoạt động tại Cụm Công nghiệp Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Theo thỏa thuận, thời gian hợp đồng thuê đất là 15 năm (từ 2012 – 2027) với quy mô 2,9 ha. Cty trả tiền thuê đất hằng năm và được miễn tiền thuê đất 11 năm. Ngoài ra, Giấy chứng nhận đầu tư số 40/CN-UBND ngày 19/9/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam cấp có thời gian đầu tư 50 năm.

Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, nhà máy gây ô nhiễm môi trường,  người dân địa phương nhiều lần phong tỏa nhà máy để phản đối, trong khi các kết quả quan trắc môi trường của Sở TN&MT đều cho kết quả “đạt yêu cầu”!  Trước tình thế đó, UBND thị xã Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho phép di dời nhà máy.

Ngày 23/9 UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Theo đó, thống nhất cho phép doanh nghiệp này đầu tư nhà máy thép tại đây trên diện tích khoảng 17,3ha. Lập tức, dư luận xôn xao với nhiều luồng ý kiến.

Ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam, cho biết: Tại thời điểm đầu tư, nhà máy được “trải thảm đỏ” chào mời. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nhà máy phát sinh là tiếng ồn, bụi, mùi. Cũng theo ông Viễn, trong quy trình sản xuất của nhà máy thì nước sản xuất chủ yếu làm mát thiết bị và luân phiên sử dụng, còn nước thải chủ yếu là nước thải sinh hoạt và theo đề án chỉ thải ra dưới 20m3. Nếu để nhà máy hoạt động tại vị trí có dân quá đông, gần dân quá không ổn. Do vậy tỉnh và các ban ngành đã làm việc với huyện Nam Giang và thị trấn Thạnh Mỹ đồng ý cho xây dựng với quy mô 17,3 ha. Riêng vấn đề thẩm định đánh giá tác động môi trường thì phải chờ ý kiến của các cơ quan thẩm định và các chuyên gia .

Phải tạo điều kiện bằng được?

Để di dời nhà máy, Cty TNHH thép Việt Pháp yêu cầu Nhà nước hỗ trợ hơn 123 tỷ đồng mới có điều kiện tổ chức thực hiện.

Ngày 22/8, Sở KH&ĐT Quảng Nam có văn bản gửi UBND tỉnh, nêu rõ quan điểm không thống nhất với việc đầu tư dự án mới này tại địa điểm mới với nhiều lý do. Trong đó, địa điểm thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) là khu vực đầu nguồn thuộc vùng núi cao, nằm sát đường và nhiều hộ dân đang sinh sống, đặc biệt xem xét ảnh hưởng của dự án trên đối với các quy hoạch về phát triển đô thị và dân cư ở khu vực lân cận.

Theo đó, dự án luyện cán thép Việt Pháp của Cty TNHH thép Việt Pháp dự kiến có quy mô 975 tỷ đồng, là dự án lớn nhưng lại chưa nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, hiệu quả mang lại theo báo cáo chưa có tính thuyết phục. Qua thực tế, dự án này tại Cụm công nghiệp Thương Tín (Điện Bàn) đóng góp ngân sách hàng năm thấp với con số không tưởng. Theo số liệu của Chi cục Thuế Quảng Nam, năm 2014 dự án nộp ngân sách 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng!

Dự án nếu đầu tư tại huyện Nam Giang (địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn) thì được miễn tiền thuế đất 11 năm, áp dụng thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế TNDN 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, được miễn thuế nhập khẩu…, trong khi khả năng đóng góp cho ngân sách, giải quyết lao động quá “lèo tèo”, vừa ảnh hưởng đến dân sinh và tiềm ẩn cao về ô nhiễm môi trường không chỉ tại địa bàn nơi đặt dự án mà cả vùng lân cận và khu vực hạ lưu.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, thì cần xem xét vị trí hợp lý để di dời nhà máy. Bởi nhà máy được cấp giấy phép kinh doanh, có chứng nhận đầu tư. “Họ đầu tư vài trăm tỷ, cấp phép đầu tư 15 năm mà mới được 2 năm đuổi họ thì chỉ có đường phá sản, do đó phải xem xét”, ông Thu khẳng định.

Đà Nẵng hoang mang

Trước thông tin nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp sẽ được di dời về nằm phía thượng nguồn sông Vu Gia, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam thông tin cụ thể về việc này.

Ông Thơ cho biết: Qua phản ảnh của các cơ quan thông tấn báo chí, thành phố Đà Nẵng được biết tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang thuộc lưu vực sông Vu Gia. Lượng nước từ hệ thống sông Vu Gia hiện đang cung cấp khoảng 250 ngàn m3/ngày đêm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ của thành phố Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

“Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng hết sức quan ngại việc tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của thành phố Đà Nẵng”, ông Thơ cho biết.

Theo ông Thơ, tại kết luận số 26 ngày 27/4/2016, giữa hai ban Thường vụ về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa Quảng Nam và Đà Nẵng có ghi: “Các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan”. Do đó, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân thành phố Đà Nẵng được biết.

Ông Ka Phu Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, cho rằng người dân cơ bản đồng tình nhưng cũng bày tỏ lo lắng, nhất là khi nghe thông tin nhà máy từng gây ô nhiễm khi hoạt động ở Điện Bàn nên yêu cầu nhà đầu tư phải có cam kết. Còn phía Cty cho rằng lò luyện thép không có nước thải mà chỉ là nước làm mát và nước sử dụng của công nhân nên không gây ô nhiễm môi trường.