Đổi mới lâm trường Quốc doanh: Vẫn luẩn quẩn

Khai thác gỗ ở Cty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) .Ảnh: Văn Chung
Khai thác gỗ ở Cty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) .Ảnh: Văn Chung
TP - Ngày 10-11, tại diễn đàn “Lâm trường quốc doanh (LTQD), đổi mới và phát triển trong bối cảnh hội nhập” do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, LTQD dù sắp xếp xong, nhưng đó chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), sau khi sắp xếp các LTQD, hiện cả nước có 170 Cty, theo mô hình Cty TNHH nhà nước MTV, 100% vốn nhà nước, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong đó, có 151 doanh nghiệp hạch toán độc lập (trong đó có 8 doanh nghiệp của Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam và 2 Cty của Tổng Cty Giấy Việt Nam) và 19 doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc (đều thuộc Tổng Cty Giấy Việt Nam).

Hiện diện tích rừng của các doanh nghiệp trên quản lý gần 1,8 triệu ha, trong đó, rừng sản xuất hơn 1,4 triệu ha (trong đó rừng tự nhiên 1,05 triệu ha, rừng trồng gần 350 nghìn ha), hơn 310 nghìn ha rừng phòng hộ và gần 58 nghìn ha rừng đặc dụng.

Theo ông Đinh Quang Tuấn, Phó ban Chỉ đạo sắp xếp đổi mới và phát triển LTQD T.Ư, doanh nghiệp lâm nghiệp là nhóm thuộc diện khó khăn, đổi mới sau cùng trong nhóm doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Thực tế, dù các LTQD cơ bản đã sắp xếp chuyển đổi, nhưng mô hình nói trên vẫn chưa phù hợp, chưa tạo ra động lực, để thúc đẩy DN đổi mới và phát triển.

“Đó thực chất chỉ là cuộc đổi tên, bình mới rượu cũ. Vì bộ máy gần như chuyển từ lâm trường cũ sang, cơ chế hoạt động vẫn như cũ, chưa có gì đổi mới”?- ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, dù hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng các DN đó vẫn chưa tự chủ vì chưa thuê được. Công việc đo đạc, cắm mốc phân chia diện tích rừng, đáng lẽ cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh phải làm, thì khoản chi phí đó, DN cũng phải bỏ ra, trong khi họ lại không có tiền.

Để các LTQD đổi mới, phát triển, theo ông Tuấn, cần phải cởi trói, tìm ra mô hình phù hợp nhất. Cần phân loại, doanh nghiệp nào có rừng chưa được khai thác, đang giữ rừng, đảm bảo an ninh quốc phòng, thì coi như rừng phòng hộ để nhà nước cấp kinh phí hoạt động, và hưởng một số chế độ nhất định.

Ông Vũ Long, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cũng cho rằng, các DN lâm nghiệp quản lý gần 1,8 triệu ha diện tích, thì loại DN quản lý rừng trồng dễ thở hơn DN quản lý rừng tự nhiên. Hiện cơ chế quản lý rừng tự nhiên bị bí, tịt, vì họ gần như không có quyền sản xuất kinh doanh.

“Một DN, thì phải có quyền chủ động, sản xuất cái gì, bán bao nhiêu, cho ai... Tài nguyên nhà nước giao cho DN quản lý, nhưng có phải là tài sản của họ đâu. Đất đai cũng như thế, nên DN làm ăn thế nào được”- ông Long nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.