Tháo gỡ hay buộc thêm tròng?
Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2014/TT-BCA về Quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đáng chú ý, Dự thảo đưa ra đề xuất đổi biển số của các loại xe kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách từ màu nền trắng, chữ đen sang biển số có màu nền vàng cam, chữ số màu đỏ. Nếu được thông qua, Thông tư sẽ có hiệu lực từ vào đầu năm 2020 và quá trình chuyển tiếp để đổi biển số xe cũ sang biển màu mới sẽ kết thúc vào tháng 12/2020.
Theo các chuyên gia, việc đổi màu nhận diện tem đăng kiểm sẽ ít gây tốn kém cho DN, lái xe hơn là đổi biển số xe
Trong khi đó, mới đây, trong quá trình xây dựng Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT cũng đề xuất lên Chính phủ một phương án nhận diện xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh thông qua màu tem đăng kiểm khác nhau. Trên tem đăng kiểm cũng sẽ có thêm mã QR để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Bộ GTVT cho rằng, việc nhận diện phương tiện kinh doanh vận tải qua màu tem đăng kiểm sẽ được thực hiện theo phương thức, danh sách phương tiện kinh doanh vận tải sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm để thực hiện việc thay đổi tem đăng kiểm làm cơ sở cho việc nhận diện phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện không kinh doanh vận tải. Ngoài việc thay đổi màu để nhận diện thì tem đăng kiểm sẽ có thể dễ dàng in thêm mã QR mà không phát sinh thêm chi phí để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Phương án này phân biệt được giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, kiểm soát được nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải. Thông qua việc nhận diện màu và mã QR của tem đăng kiểm, giúp giảm thời gian kiểm tra giấy tờ, kiểm tra thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác. Phương án này cũng không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước trong việc cấp lại giấy đăng ký và biển số để nhận diện. Doanh nghiệp không thể tùy tiện bóc dỡ hay tùy ý muốn gắn thì gắn.
Bộ GTVT cho rằng, tuy phải liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu về cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và dữ liệu về đăng kiểm nhưng chi phí này là không đáng kể vì hai hệ thống trên đang tồn tại và có thể kết nối liên thông ngay.
Doanh nghiệp sẽ phải chi thêm 100 tỷ đồng
Trong khi đó, với phương án đổi màu biển kiểm soát, thừa nhận, phương án này sẽ phải đầu tư kinh phí cho việc kết nối liên thông dữ liệu về đăng ký sở hữu phương tiện và cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, sẽ mất trên 100 tỷ đồng cho việc chuyển đổi giấy đăng ký và biển số xe đối với trên 700.000 xe đang kinh doanh vận tải.
Nhìn nhận về hai phương án trên, nhiều chuyên gia cho rằng nghiêng về phương án đổi màu tem đăng kiểm thay vì đổi màu biển kiểm soát với thủ tục rườm rà, tăng chi phí cho người dân, trong khi đó, hiệu quả quản lý chưa chắc đã đạt được như mong muốn nếu cơ quan quản lý, lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường không làm nghiêm, công minh.
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông chia sẻ, việc phải thay biển số xe đối với các xe đã được cấp phép hoạt động dưới hình thức taxi hoặc xe hợp đồng sẽ tốn nhiều ngân sách. Cùng đó, Nhà nước còn sẽ phải đầu tư kinh phí cho việc kết nối liên thông dữ liệu về đăng ký sở hữu phương tiện và cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Về phía doanh nghiệp, sẽ phải tốn kém chi phí về thời gian, nhân lực và tài chính để đáp ứng quy định này.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đề xuất của Bộ Công an và Bộ GTVT đều xuất phát từ mong muốn quản lý tốt đối với các phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, chiếm đến 60-70% lượng ô tô lăn bánh trên đường hiện nay là kinh doanh vận tải, việc buộc các phương tiện này phải đổi màu BKS chẳng khác nào tăng thêm chi phí và buộc thêm một cái dây vào cổ doanh nghiệp. Trong khi đó, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành địa phương đều luôn mong muốn tháo gỡ khó khăn, giảm bớt thủ tục phiền hà để doanh nghiệp phát triển.
Theo ông Thủy, hiện việc phân biệt phương tiện qua màu biển kiểm soát chỉ có rất ít quốc gia áp dụng. Việt Nam không nên nghiên cứu áp dụng trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì có nhiều biện pháp hữu hiệu hơn để quản lý và không phát sinh nhiều chi phí cũng như rườm rà cho doanh nghiệp.
“Khi làm nhiệm vụ trên đường, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm thì dù là xe cá nhân hay xe kinh doanh vận tải đều phải dừng xe lại để kiểm tra, xử lý. Và khi đã dừng phương tiện lại thì dễ dàng nhận ra là xe kinh doanh hay xe cá nhân. Do vậy, không cần phải tăng thêm chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp”- ông Thủy phân tích.