TPO - Lễ hội làng Thổ Khối được tổ chức tưng bừng vào những ngày đầu tháng 2 Âm lịch. Hội làng Thổ Khối có lễ rước kiệu xoay vô cùng đặc sắc và độc đáo, nam thanh, nữ tú tham gia rước kiệu Thánh Ông, Thánh Bà nhất định phải là các đồng trinh.
Làng Thổ Khối nằm bên bờ bắc sông Hồng (nay là phường Cự Khối, thuộc quận Long Biên), cách trung tâm Hà Nội 6km. Lễ hội làng được tổ chức từ 8 đến 10 tháng hai âm lịch. Tương truyền vào khoảng thời Lê Lợi (thế kỷ XV-XVII), ông Đào Duy Trinh quê ở Thổ Khối (Thanh Hóa) đến đây khai hoang, sinh sống ở vùng đất này, từ đó nhiều người đến và xây dựng nơi đây thành đất chài Vạn Thổ.
Tục truyền, khi Vua Lê Lợi đánh quân Minh xâm lược bị lâm nguy, ông Đào Duy Trinh đã chờ thuyền giúp vua thoát khỏi vòng vây của giặc. Sau thắng lợi, vua phong chức tước cho ông nhưng ông từ chối, chỉ xin được ở lại và xây làng, lập ấp tại đây và lấy tên là Thổ Khối. Sau khi ông qua đời, dân làng tưởng nhớ công ơn của ông xây đền thờ và phong ông là Thành hoàng. Ông cũng được nhà vua phong sắc là Đào thành Hoàng Đại vương Thượng đẳng, hiện đình làng Thổ Khối vẫn còn lưu giữ 12 sắc phong của nhà vua.
Trong lễ hội làng Thổ Khối, để được chọn làm người rước kiệu Thánh ông, Thánh bà, các nam thanh, nữ tú được chọn nhất định phải là đồng trinh và thuộc gia đình nền nếp văn hóa.
Quãng đường rước "các ngài" từ đình làng Thổ Khối ra bến sông lấy nước rồi rước ngược về đình chỉ khoảng 2km, nhưng đoàn rước phải mất tới hơn 2 giờ đồng hồ mới hoàn thành bởi cứ đi một đoạn ngắn kiệu lại xoay hoặc chạy ngược. Trong trang phục truyền thống, những cô gái chân yếu tay mềm hay cả những chàng trai khỏe mạnh đã phải rất vất vả mới có thể giữ thăng bằng khi kiệu xoay theo một lộ trình đầy ngẫu hứng và không hề được báo trước.
|
Lễ hội làng Thổ Khối được tổ chức từ 8 đến 10 tháng hai âm lịch hằng năm. |
|
Trong lễ hội làng Thổ Khối, để được chọn làm người rước kiệu Thánh Ông, Thánh Bà, các nam thanh, nữ tú được nhất định phải là đồng trinh. |
|
Sau khi hành lễ tại đình làng, các kiệu lễ vật của các tổ dân phố thuộc làng Thổ Khối đi rước trước. |
|
Kiệu Thánh Bà do 8 đồng nữ rước thay phiên nhau. 4 người rước chính, 4 người phụ và rất đông người khác theo cạnh để hỗ trợ cho nhau. |
|
Cứ đi được vài bước chân, kiệu Thánh Ông và Thánh Bà lại chạy ngược lại hoặc xoay kiệu. |
|
Quãng đường rước các Thánh từ đình làng Thổ Khối ra bến sông lấy nước rồi rước ngược về đình khoảng 2km. |
|
Những cô gái rất vất vả để giữ thăng bằng cho kiệu. |
|
Do kiệu xoay một lộ trình đầy ngẫu hứng và không hề được báo trước nên các cô gái khó tránh khỏi mệt nhọc. |
|
Có rất ít làng xã cho phép con gái rước kiệu, cũng chính bởi điều này, dù biết đi rước sẽ rất mệt, nhưng những cô gái được chọn bao giờ cũng cảm thấy may mắn và tự hào. |
|
Những cánh tay cố gắng bám chặt vào kiệu để không bị mất phương hướng. |
|
Những người già trong làng cho biết, khi kiệu xoay là "Thánh" đang vui. |
|
Rất vất vả mới có thể hạ kiệu. |
|
Hai kiệu Thánh Ông và Thánh Bà chạy ngược trên đường rước. |
|
Kiệu Thánh Ông xoay giữa đường đê, nơi có nhiều xe cộ lưu thông. |
|
Nam thanh niên tuy khỏe mạnh hơn nhưng cũng "khốn khổ" không kém bởi kiệu xoay liên tục. |
|
Mặc dù đã luyện tập thể lực nhưng nhiều thanh niên nhanh chóng mệt khi rước kiệu mới chỉ một quãng. |
|
37 gáo nước được lấy tại khu vực giữa sông Hồng đổ vào bình để đem về lễ. |
|
Nước trong bình sau khi lễ sẽ được dùng để rửa các vật thờ cúng trong đình làng Thổ Khối. |
|
Hai kiệu Thánh Ông và Thánh Bà về đến đình làng sau hàng tiếng đồng hồ rước. |
Duy Phạm