Năm nào cũng vậy, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu bảo đảm cho kỳ nghỉ Tết, cán bộ, chiến sĩ, thì việc đắp các linh vật ở Sư đoàn 315 được các cơ quan, đơn vị triển khai từ rất sớm.
Linh vật chủ yếu được đắp bằng xi măng, khung được ráp bằng thép, lưới sắt để bảo đảm độ bền, chắc chắn; sau khi hoàn thành được trưng bày để thi và trang trí làm đẹp cho khuôn viên doanh trại. Ảnh: Ngọc Tú |
Mỗi năm, khi đắp linh vật, các cơ quan, đơn vị thành lập các tổ, mỗi tổ từ 3-5 chiến sĩ. Tổ trưởng là các chiến sĩ có năng khiếu về hội họa và xây dựng, còn các tổ viên là các chiến sĩ biết làm hồ, đắp tượng, hàn sắt. Thời gian hoàn thành khoảng 3-4 tuần. Ảnh: Ngọc Tú |
Năm 2024 là năm có biểu trưng linh vật rồng. Đây là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, là linh vật đứng đầu trong tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Ảnh: Ngọc Tú |
Ảnh: Ngọc Tú |
Quá trình vẽ bản thảo và thi công, các chiến sĩ đã khéo léo tạo dựng linh vật rồng với nhiều thế, hình dáng khác nhau. Ảnh: Ngọc Tú |
Ngoài hình tượng rồng bay, rồng “phun châu nhả ngọc”, rồng “uốn lượn”, rồng phun nước, thì cũng có đơn vị cách điệu thành hình dạng rất gần gũi... Ảnh: Ngọc Tú |
Mỗi sản phẩm mang một nét độc đáo riêng biệt nhưng nét chung nhất vẫn thân hình uyển chuyển, khỏe khoắn với khát vọng vươn cao, bay xa. Đó cũng chính là mong muốn của cán bộ, chiến sĩ về một năm mới thành công, quyết thắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: Ngọc Tú |
Năm nay, cặp rồng được cán bộ, chiến sĩ yêu thích nhất là của Đại đội 7 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 143). Ảnh: Ngọc Tú |
Tổ gồm 3 đồng chí: Trung sĩ Cao Quang Long Vũ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 7 - đảm nhiệm vẽ và thiết kế mô hình, trang trí; Binh nhất Nguyễn Quốc Huy, chiến sĩ Tiểu đội 2, Trung đội 7 - đảm nhiệm làm hồ, đắp xi măng; Binh nhất Trương Quốc Đạt, chiến sĩ Tiểu đội 5, Trung đội 8 - trang trí, sơn màu. Ảnh: Ngọc Tú |
Theo Trung sĩ Cao Quang Long Vũ, tổ trưởng tổ thi công: Đắp rồng khó nhất là giai đoạn tạo khung sắt, bởi nếu không tạo được khung hình có tỷ lệ, kích thước phù hợp thì khi đắp xi măng, trang trí sẽ không đẹp. Đồng thời vừa phải biết sáng tạo ra các chi tiết nhỏ để thổi hồn vào linh vật. Ảnh: Ngọc Tú |
Cũng theo Vũ, đắp linh vật rồng khó hơn các linh vật khác bởi rồng không có thực trong thế giới tự nhiên. Vật liệu đắp linh vật rồng tương đối nhiều và phức tạp, ngoài xi măng, sắt, lưới thép, sơn màu phải dùng đến thạch cao, đất sét để thi công những chi tiết khó, phức tạp như đầu rồng, đuôi rồng. Ảnh: Ngọc Tú |
Thiếu tá Huỳnh Tấn Quang, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315 cho biết: Năm nào cũng vậy, quá trình thi công linh vật, cán bộ, chiến sĩ đều rất hào hứng, đơn vị nào cũng mong muốn có một đôi linh vật đẹp để trưng bày. Vì vậy quá trình hoàn thiện, tổ thi công luôn đón nhận sự góp ý, hiến kế của đồng đội trong toàn đơn vị. Ảnh: Ngọc Tú |
Các linh vật sau khi hoàn thiện xong sẽ tham gia thi cấp Trung đoàn, Sư đoàn và được trưng bày trong các khu vui chơi trong ngày Tết phục vụ cán bộ, chiến sĩ và người thân đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm, sau đó sẽ được đem về và bố trí trong khuôn viên doanh trại. Ảnh: Ngọc Tú |
Cặp linh vật đạt giải cao sẽ được Ban tổ chức trao giải và ưu tiên trưng bày tại cổng hoặc khuôn viên sinh thái để cán bộ, chiến sĩ và người thân tham quan, chiêm ngưỡng. Ảnh: Ngọc Tú |
Tuy không phải là những nghệ nhân thực thụ, nhưng bằng sự cần cù, sáng tạo, các chiến sĩ Sư đoàn 315 đã chào đón xuân mới bằng những linh vật rất độc đáo mang đậm chất “lính” và nét đẹp văn hóa con người Việt Nam.