Nhằm mang đến những giải pháp giúp doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội, ứng dụng 4.0 thành công vào sản xuất kinh doanh, sáng 26/6 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tổ chức “Hội thảo Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0”. Ban tổ chức xin cảm ơn các đơn vị đồng hành cùng chương trình: Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV POWER).
Tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và cách làm việc của con người.
Theo ông Hiếu, xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi nhanh đến mức, mới đây 800 doanh nhân họp ở Davos (Thụy Sĩ), đã dự báo 21 sản phẩm sẽ xuất hiện trong 10 năm tới. Các sản phẩm đó bao gồm: 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 80% người dân hiện diện số trên internet; chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ…
Nói về chính sách và giải pháp hỗ trợ về khoa học và công nghệ để doanh nghiệp tiếp cận và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, hiện Chính phủ có nhiều chính sách để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.
“Chúng ta đã mường tượng ra cuộc cách mạng 4.0 sẽ như thế nào để đón đầu. Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn có những độ trễ nhất định. Theo đó, doanh nghiệp phải là trung tâm để đổi mới, để ứng phó với cuộc cách mạng 4.0 nhằm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Xuyên nói.
Ông Xuyên cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất và môi trường kinh doanh, phải thay đổi từ cạnh tranh tĩnh sang cạnh tranh động để có thể bắt kịp xu hướng…
“Để làm được điều đó, chúng ta phải đánh thức tiềm năng của chính mình để phát triển công nghệ trong tương lai. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ đang tăng rất mạnh. Nhưng doanh nghiệp lớn có bộ phận tự nghiên cứu, triển khai công nghệ chỉ chiếm chưa đến 3% (quá thấp trong cuộc cách mạng 4.0)”, ông Xuyên cho biết.
Dưới góc nhìn của chuyên gia chuyển đổi số, ông Trịnh Minh Giang cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và vừa ở cac thành phố lớn tận dụng rất tốt về internet, tận dụng công mạng xã hội để khai thác kinh doanh và tạo ra chính giá trị cho họ. Trong khi đó các doanh nghiệp lớn lại có phần chậm hơn trong việc tái cơ cấu hay chuyển đổi số”.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh cho biết, cần phải có 4 tiền đề để bắt kịp cuộc cách mạng này. Cụ thể, ông Thành đề cao vai trò của thể chế và người lãnh đạo. Thể chế phải tốt, lãnh đạo phải nhanh, mạnh và quyết đoán, sâu sát, nhạy cảm với tình hình để có quyết sách đúng đắn. Tiếp theo là phải có một hệ thống giáo dục đào tạo kỹ năng tốt để cung cấp cho thị trườngnguồn nhân lực số có chất lượng cao. Bên cạnh đó phải tiếp tục coi doanh nghiệp sáng tạo là trung tâm, đồng thời thúc đẩy an ninh mạng kết nối.