Bí kiếp gọi vốn
Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Tập đoàn An Gia, cho biết An Gia được thành lập vào năm 2008, xuất phát điểm từ một công ty về môi giới bất động sản. “Bán được nhà là một chuyện nhưng với hình thức hợp tác môi giới, chúng tôi không giám sát được chủ đầu tư, không chủ động trong việc thúc ép họ hoàn thành nhà đúng tiến độ để giao cho khách hàng. Đó cũng là điều mà chúng tôi rất áy náy và rất buồn khi có khách hàng điện thoại hỏi thăm vì sao trễ hẹn, mặc dù họ biết chúng tôi chỉ là đơn vị môi giới. Đó cũng là một trong những động lực khiến chúng tôi phát triển để trở thành chủ đầu tư”, ông Tín nói.
Trải qua quá trình dài tích luỹ kinh nghiệm, năm 2014 An Gia trở thành nhà phát triển dự án bất động sản và ra đời dự án đầu tay là The Garden. Từ bệ phóng này, An Gia mở rộng đầu tư và tiếp tục cho ra đời hàng loạt dự án như The Star, Riverside, Skyline, River Panorama và mới nhất là Sk89. Vì xuất phát từ một công ty môi giới BĐS nên An Gia hiểu rõ hơn hết tâm lý và nhu cầu của khách hàng, vì vậy những dự án của An Gia khi đưa ra thị trường đều được khách hàng nhiệt tình đón nhận.
Trong quá trình phát triển, An Gia đã chọn được những đối tác và cộng sự tin cậy để cùng đồng hành. Tháng 7/2015, An Gia đã đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ Đầu tư Creed Group của Nhật Bản. Nói về quá trình kêu gọi vốn với Creed Group đến từ Nhật Bản, nổi tiếng là có những tiêu chuẩn, khắt khe riêng, thì An Gia gói gọn trong bốn từ “xây dựng niềm tin”. Đó là phải khiến đối tác tin tưởng, dựa trên sự hợp tác chân thành. Và một khi đã có được sự tin tưởng lẫn nhau, quá trình gọi vốn của An Gia cũng trở nên dễ dàng hơn. Và có một điểm đặc biệt là An Gia và Creed Group luôn tâm niệm, đó là luôn hướng đến sự hợp tác lâu dài, xây dựng một thương hiệu BĐS uy tín và hướng đến khách hàng làm trọng tâm, chứ không phải hoàn toàn dựa trên lợi nhuận.Tổng số vốn Creed Group đầu tư vào An Gia ban đầu là 200 triệu USD.
Và kinh nghiệm lớn nhất khi An Gia làm việc với đối tác nước ngoài, mà cụ thể là Creed Group đó là luôn minh bạch và công khai thông tin, đây được coi là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Thị trường BĐS năm 2019 được đánh giá khan hiếm nguồn cung và gặp những khó khăn nhất định về hành lang pháp lý, nguồn vốn, quỹ đất…
Tuy nhiên, với An Gia có hướng đi riêng biệt và đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cũng như quỹ đất để phát triển các kế hoạch kinh doanh riêng. Gần đây nhất tháng 4 sắp tới, An Gia sẽ tung ra một dự án toạ lạc ngay tại Q.7 với quy mô 1.100 căn với mức giá ở phân khúc trung bình – một phân khúc dễ hấp thụ và thanh khoản cao, luôn được thị trường đón nhận.
Trong vòng 10 năm, An Gia trở thành 1 trong 5 nhà cung cấp căn hộ lớn nhất TP.HCM. Doanh thu ước tính lên đến 1.492 tỉ đồng/năm (tương đương 64,3 triệu USD), tăng khoảng 50% so với doanh thu một năm trước và gấp 167 lần so với 4 năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong năm 2018 ước tính là 288 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2017.
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Thuduc House, cũng nói rằng điểm mấu chốt trong chiến lược kinh doanh của Thuduc House là quốc tế hóa về vốn, về quy mô hoạt động, địa bàn đầu tư và cả về nhân lực. Thuduc House là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện dự án bất động sản.
Cụ thể, năm 2003, Thuduc House là doanh nghiệp đầu tiên liên doanh thành công với tập đoàn Daewon Hàn Quốc để thành lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Daewon Hàn Quốc để triển khai thực hiện dự án bất động sản tại TP.HCM và đó là dự án bất động sản đầu tiên có sự hợp tác của đối tác nước ngoài trên địa bàn cả nước lúc bấy giờ.
Hiện Thuduc House cũng đã đầu tư vào Mỹ đã có được những thành công nhất định. Lợi nhuận mang về khoảng 30%. Tại TP.HCM, công ty liên doanh Daewon Thuduc đã phát triển thành công hàng loạt dự án tại TP.HCM và Hà Nội. Đặc biệt, trong năm 2018, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Daewon – Thủ Đức đã chính thức ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Chế tạo Công nghiệp và Gia công Chế biến hàng Xuất khẩu Việt Nam (VMEP) thành lập liên doanh là Công ty TNHH Phát triển nhà SYM – DWTD với vốn điều lệ 23 triệu USD, trong đó tỉ lệ vốn góp của công ty DWTD là 49% để thực hiện đầu tư dự án phức hợp tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. “Vươn ra biển lớn là một trong những logan mà công ty đặt ra, muốn vươn tới. Chúng tôi muốn niêm yết ở một thị trường chứng khoán nước ngoài để tự thể hiện mình và có sự hỗ trợ về mặt công nghệ, hợp tác cùng chia sẽ hỗ trợ vơn để công ty có thể thực hiện các dự án”, ông Chinh cho hay.
VN là thị trường lớn mạnh
Ông Yamaguchi Masakazu, trưởng đại diện Quỹ đầu tư Creed Group có 5 tỉ USD của Nhật Bản, cho biết trong 30 năm sắp tới VN sẽ là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. VN là nước ít có ảnh hưởng nhất từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, có một nguồn dân số và lao động trẻ, họ là người chăm chỉ. Đó là ấn tượng mạnh của ông từ những nước ông đi qua.
Quỹ đầu tư của ông đã đầu tư nhiều nước, nhưng ông thấy VN văn hoá của VN cũng có nét tương đồng với Nhật Bản hơn là những nước trong khu vực. Mảng bất động sản ở VN nhu cầu mua để ở thật sự rất cao. Nên nếu tập trung cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh thì sẽ tiến xa trong lĩnh vực này. Hiện người tiêu dùng VN trở nên thông minh hơn trong lựa chọn nên nhà đầu tư nếu không giữ đúng cam kết về tiến độ, chất lượng sẽ bị đào thải khỏi thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói rằng không thể có chuyện ra biển lớn bằng thuyền thúng, ghe cào mà phải bằng thuyền lớn. Trong khi VN có rất ít thuyền. “Tôi mong muốn làm sao có chính sách tạo điều kiện để họ ra biển lớn, để có các tập đoàn lớn mạnh. Tuy nhiên, DN cũng phải có tầm nhìn, sứ mệnh”, ông Châu nói.