Vai trò xét duyệt bỏ ngỏ
Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận sự việc chấn động khi Cơ quan điều tra Bộ Công an công bố thông tin FLC Faros 'thổi' vốn điều lệ ảo từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trong 2 năm, sau đó niêm yết, tiếp tục đẩy giá cổ phiếu, chiếm đoạt tiền 6.400 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Ngoài cú lừa lịch sử do đại gia trên sàn chứng khoán - Trịnh Văn Quyết đạo diễn nêu trên, thì thị trường cũng từng xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp niêm yết lùm xùm tăng vốn ảo, nhưng ở quy mô nhỏ như: tại Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA), CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB).
Trong số này, có doanh nghiệp tăng vốn trước niêm yết, có trường hợp thực hiện khi đã là công ty đại chúng, nhưng đều có mục đích “xé giấy lấy tiền”. Giới đầu tư không khỏi băn khoăn, quy trình quản lý, thanh tra, giám sát, luật chuyên ngành liệu có khoảng hở cho doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm, sau thời gian mới bị phát hiện, xử lý.
UBCK không quản lý, giám sát thì ai?
Với vụ Faros tăng vốn ảo vừa được cơ quan điều tra phanh phui, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) giải thích, sự việc xảy ra trước khi doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp thực hiện tăng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc này không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của UBCKNN, Bộ Tài chính.
Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh (Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni) không đồng tình với giải thích của UBCKNN sau khi sự việc "thổi vốn" của FLC Faros bị cơ quan điều tra phanh phui.
Ông Chánh nói, nếu lý luận như vậy thì xem như UBCKNN chối bỏ vai trò xét duyệt mình. Ông giải thích thêm, theo Nghị định 155/ NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, hồ sơ đăng ký niêm yết phải có báo cáo tài chính 2 năm liền trước của doanh nghiệp và nhiều báo cáo bắt buộc khác. Với Faros, UBCKNN phải xem xét tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong 2 năm gần nhất trước khi xét duyệt niêm yết.
Trong báo cáo tài chính của Faros ngày 30/6, Công ty kiểm toán ASC đã viết rõ 2 vấn đề cần nhấn mạnh: Faros ủy thác đầu tư số tiền 3,666 tỷ, và việc góp vốn 462.5 tỷ gồm 18 lệnh chuyển đến, và 18 lệnh chuyển đi tương ứng.
“Vậy mà sau đó chỉ 3 tháng, tức đầu tháng 9/2016, Faros được UBCKNN cho phép niêm yết. Rõ ràng, UBCKNN đã tắc trách trong việc phê duyệt niêm yết Faros một doanh nghiệp góp vốn ảo. Việc này làm ảnh hưởng trầm trọng đến quyền lợi nhà đầu tư. Và đây cũng là bài học lớn cho những nhà đầu tư theo '3 chữ cái', theo sóng mà không cần biết tình hình kinh doanh, không đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp”, ông Chánh nhấn mạnh.
Khó có kẽ hở pháp luật, doanh nghiệp vi phạm vì đâu?
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật Anvi) cho biết, giai đoạn 2014-2016, Faros tăng vốn 5 lần, vắt qua Luật doanh nghiệp 2005 và 2014. Ở cả 2 Luật này, ông Đức đều cho rằng khó có kẽ hở nào cho Faros “vô tình” tăng vốn ảo nhiều lần. Pháp luật ngày càng hoàn thiện, nhưng doanh nghiệp vẫn bất chấp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo,
Theo ông Đức, với quy định tại Luật doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp chỉ có thể “vô tình” rơi vào trạng thái vốn ảo trong 3 năm đầu thành lập, do không được phép điều chỉnh vốn đăng ký. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn lần đầu, lại tiếp tục tăng vốn lần sau, thì không có chuyện “vô tình”, mà là chủ đích gian dối.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong việc kiểm duyệt hồ sơ, chấp thuận cho ROS niêm yết, vai trò của UBCKNN là rất lớn, không thể đổ cho quá trình tăng vốn xảy ra trước khi ROS lên sàn. “Doanh nghiệp có thể sai, cố tình lừa đảo nhưng UBCKNN không phát hiện ra, có phải là tiếp tay cho doanh nghiệp. Có thể doanh nghiệp lừa đảo quá tinh vi, nhưng trường hợp của ROS, bất thường đã được kiểm soát chỉ ra tại báo cáo tài chính, UBCKNN xét duyệt hồ sơ lại không phát hiện”, ông Đức đặt vấn đề
Còn về trách nhiệm của đơn vị kiểm toán, ông Đức cho biết, cần xem lại báo cáo kiểm toán, xem những bất thường ấy có được chỉ ra, đã hợp lý, đúng luật, đúng chuẩn mực kiểm toán chưa. Việc Faros liên tục thay đổi công ty kiểm toán, thậm chí trong cùng 1 năm tài chính là 2 công ty, nên việc kế thừa giữa 2 bên là rất quan trọng, tránh để “lọt” thông tin quan trọng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, trên thế giới, có 2 định chế tài chính hoạt động dựa trên đạo đức, là kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, rất khó bị xem xét trách nhiệm, khởi tố.
Hiện, Luật Doanh nghiệp quy định cơ chế hậu kiểm, giao quyền cho cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra các thông tin trong nội dung đăng ký kinh doanh. Với trường hợp tăng vốn của công ty đại chúng, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, chịu sự quản lý của UBCKNN. Việc kiểm tra, giám sát áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.
Ngoài những vi phạm trên thị trường chứng khoán, thì việc đăng ký vốn ảo đã từng diễn ra nhiều, gây xôn xao ở một số doanh nghiệp thành lập mới. Đầu năm nay, “siêu” doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 500 nghìn tỷ tại TPHCM đã giải thể vì cổ đông không góp đủ vốn. Hiện, pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hoặc tối đa là bao nhiêu, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường, được tự đưa ra mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô thực tế của doanh nghiệp mình.