Tại Việt Nam, theo Báo cáo Thương mại điện tử 2023 do Cục TMĐT - Kinh tế số Việt Nam, Bộ Công Thương công bố chỉ trong 5 năm gần đây, quy mô thị trường đã tăng hơn 2,5 lần từ mức chỉ 8,06 tỷ USD của năm 2018 lên đến 20,5 tỷ USD vào năm 2023. Chính làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ này, đã thúc đẩy các dịch vụ hậu cần, trong đó có thị trường giao hàng chặng cuối thêm sôi động và trở thành bước tiến quan trọng của các doanh nghiệp e-logistic.
Giao hàng chặng cuối: Bước tiến quan trọng
Thạc sĩ Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cũng nhìn nhận, logistics nói chung và giao hàng chặng cuối là mắt xích quyết định đến trải nghiệm mua sắm liền mạch kể từ lúc đặt hàng cho đến khi nhận hàng của người dùng.
“Tôi cho rằng, tốc độ và chất lượng giao hàng, bao gồm từ quá trình xương sống tới chặng cuối sẽ là yếu tố đánh giá uy tín và vị thế của sàn TMĐT trong mắt khách hàng. Hiện đã có những sàn TMĐT làm được câu chuyển giao hàng chỉ trong vài giờ đồng hồ, điều đó là sự chuyển biến tích cực trong TMĐT”- ông Minh nói.
Sự phát triển của kinh tế số và dịch vụ mua sắm online đã trở thành trợ lực cho dịch vụ giao hàng chặng cuối phát triển vượt bậc tại Việt Nam. |
Anh Trần Lâm, Giám đốc công ty TNHH Natural House, chia sẻ tốc độ giao nhận hàng của shipper đóng vai trò quyết định đối với trải nghiệm của khách hàng.
“Mỗi ngày chúng tôi có hàng nghìn đơn hàng, do đó shipper tới lấy hàng nhanh thì quá trình đi đơn của khách cũng nhanh. Chúng tôi được lợi, khách nhận hàng nhanh cũng thiện cảm với shop, doanh thu chắc chắn từ đó mà cải thiện.” - anh Lâm nói.
Doanh nghiệp e-logistic tăng tốc cải tiến giao hàng chặng cuối
Theo đó, các doanh nghiệp e-logistic đang dốc sức đầu tư cho mạng lưới cơ sở hạ tầng và những công nghệ hiện đại nhất nhằm mang lại trải nghiệm giao hàng chặng cuối ngày một tốt hơn cho cả người bán & người tiêu dùng.
Giao Hàng Nhanh năm ngoái đã đầu tư 10 triệu USD xây dựng kho trung chuyển Xuyên Á ở Long An, nâng tổng diện tích cơ sở hạ tầng của đơn vị lên 150.000 m2 với 30 kho phân loại và chuyển tiếp khắp toàn quốc. Tốc độ xử lý đơn hàng trên toàn hệ thống cũng tăng lên gấp 2 lần trong khi chi phí mạng lưới giao hàng được tối ưu 15%.
Cùng thời gian này, SPX đã khánh thành Trung tâm phân loại rộng 100.000 m2 tại Khu công nghiệp VSIP (Bắc Ninh). Đây là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của SPX trong khu vực Đông Nam Á với khả năng xử lý 2,5 triệu bưu kiện/ngày ở giai đoạn 1 và dự kiến nâng công suất lên 5 triệu bưu kiện/ngày trong Quý 4 năm 2024.
Trung tâm phân loại hàng hóa SPX tại Khu công nghiệp VSIP (Bắc Ninh) giúp tăng hiệu suất hoạt động, đảm bảo hàng hóa được xử lý theo hành trình nhanh nhất và nâng cao trải nghiệm mua sắm của người dùng. |
Bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX, cho biết việc tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phạm vi hoạt động không chỉ nhằm tối ưu hóa chi phí và gia tăng hiệu quả vận hành, mà còn góp phần nâng cao trải nghiệm giao hàng chặng cuối đến tay người dùng. Tính tới thời điểm hiện tại, SPX đã nâng tỉ lệ giao hàng thành công đạt 97% và thời gian giao hàng cũng được rút ngắn. Đơn cử so với hồi đầu năm 2024, thời gian giao hàng toàn trình từ lúc người bán giao cho bưu tá SPX giảm 6,4 tiếng, từ đó góp phần rút ngắn thời gian giao hàng đến tay người dùng.
Gần đây, Viettel Post đưa vào hoạt động Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), nhờ đó nâng mức độ tự động hóa trong khâu chia chọn hàng lên 99%. Điều này đã giúp Viettel Post rút ngắn thời gian toàn trình bưu phẩm còn 43 giờ và tỉ lệ giao hàng thành công đạt khoảng 95%.
Viettel Post sử dụng 200 robot chia chọn hàng hóa giúp nâng mức độ tự động hóa lên đến 99%. |
Chị Minh Thanh (ngụ tại TP.HCM), một người mua hàng trên thương mại điện tử nói về sự thay đổi trong giao hàng rằng: “Cách đây 5 năm, muốn mua một món, dù shop ở cùng thành phố, tôi cũng phải chờ đợi cả tuần. Nhưng giờ đây, chậm nhất 3 ngày, hàng đã về tay. Thậm chí có một số mặt hàng chỉ sau một đêm, đã có mặt tại nhà tôi. Cá nhân tôi thấy rất hài lòng với những thay đổi này.”
Sự đầu tư chỉn chu vào cơ sở hạ tầng và tập trung nâng cấp trải nghiệm giao hàng chặng cuối của các doanh nghiệp e-logistics tại Việt Nam không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh vững chắc, mà còn góp phần tối ưu hoá hiệu suất vận hành và cải thiện chất lượng dịch vụ, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao cuối năm và góp phần phát triển thị trường giao nhận tại Việt Nam trong tương lai.