Đoàn giúp thanh niên chậm tiến làm lại cuộc đời

Thanh niên tham gia các hoạt động xã hội do BCH Đoàn xã Điện Ngọc tổ chức.
Thanh niên tham gia các hoạt động xã hội do BCH Đoàn xã Điện Ngọc tổ chức.
TP - Nhiều thanh niên vướng vòng lao lý, dính vào tệ nạn xã hội đã được cảm hóa làm lại cuộc đời, tu chí làm ăn nhờ mô hình “1+2” (mỗi đoàn viên kèm cặp 2-3 thanh niên chậm tiến) theo sáng kiến của Đoàn xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. 

Ra đời từ năm 2010, đến nay, mô hình 1+2 ở xã Điện Ngọc ngày càng được nhân rộng. Xã có gần 18.000 nhân khẩu nhưng có tới hơn 15.000 cư dân nhập cư, vì thế địa phương luôn là “điểm nóng” về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Anh Nguyễn Minh Thành, Bí thư xã đoàn Điện Bàn, cho biết: “Đối tượng mà mô hình hướng đến là những thanh niên từng vướng vòng lao lý, thanh niên chậm tiến, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trộm cắp, lêu lổng… Chúng tôi đến từng nhà thuyết phục, giúp họ chủ động hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội”.

Mô hình 1+2 hiện có 50 thành viên tham gia, triển khai đồng loạt tại 13/13 thôn của xã Điện Ngọc, mỗi đoàn viên có trách nhiệm kèm cặp, tư vấn, định hướng cho 2-3 thanh niên chậm tiến. Ba tháng một lần, BCH Đoàn họp tổng kết, đề xuất các biện pháp can thiệp kịp thời các trường hợp cần giúp đỡ. 

Anh Phan Quân (27 tuổi, thôn Diêm Minh), từng cảm hóa nhiều trường hợp cá biệt, cho rằng: “Điều quan trọng nhất là mình phải có sự đồng cảm, sẵn sàng lắng nghe và tạo được tiếng nói chung giữa mình và bạn đó. Họ từng là những đối tượng vi phạm pháp luật, vì vậy rất khó tiếp xúc. Nhiều khi lòng tốt của mình có thể bị họ từ chối, thậm chí bị xua đuổi, nếu không có tâm huyết, dễ tự ái và thiếu kiên trì thì sẽ không thể nào cảm hóa được”.

Ra tù, thành bí thư Đoàn thôn

Sau 5 năm hoạt động, 1+2 đã can thiệp giúp đỡ, giáo dục hướng nghiệp, hỗ trợ vay vốn cho hơn 100 trường hợp thanh niên chậm tiến của địa phương, trong đó có hơn 60 người có việc làm ổn định tại các KCN, làm thợ điêu khắc tại làng đá Non Nước. Nhiều thanh niên từ bỏ những việc làm sai trái, sống lương thiện. Anh Huỳnh H., 27 tuổi, trú thôn Tứ Hà, từng vào tù vì sử dụng ma túy, trộm cắp tài sản. Ra tù, anh H. trở thành người lầm lì, khó tiếp xúc và sống bất cần. BCH chi đoàn thôn Tứ Hà tìm đến chia sẻ, động viên. Nay anh H. đã trở thành một thanh niên tích cực tại địa phương. Từ năm 2012 đến nay anh là một an ninh viên, chuyên tham gia bắt trộm cướp được dân tin yêu.

“Huyện Đoàn đang cố gắng nhân rộng mô hình thiết thực này ra các địa phương khác trên địa bàn”. 

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Huyện Đoàn Điện Bàn

Nhìn anh Lê Đình Minh T. (31 tuổi, thôn Tứ Hà) sửa tivi cho khách, ít ai ngờ trước kia anh đã từng vào tù vì trộm cắp tài sản, gây rối tại địa phương. Mãn hạn tù, được sự giúp đỡ của các đoàn viên 1+2, anh T. được tạo điều kiện đi học nghề sửa chữa điện lạnh. Sau nửa năm, anh mở cơ sở sửa chữa cơ điện lạnh do mình làm chủ, tạo công ăn việc làm cho 2 lao động khác. Từ 2 năm nay, anh T. cũng chính là Bí thư đoàn thôn Tứ Hà. Năm 2014, anh được nhận bằng khen “Thanh niên hoàn lương tiến bộ” do Tỉnh Đoàn Quảng Nam trao tặng. 

Hằng năm, Đoàn xã Điện Ngọc tổ chức các cuộc thi dành riêng cho các thanh, thiếu niên chậm tiến mang tên “Tôi – bạn, chúng ta cùng tiến”, “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Đến từng nhà”. Ở đó, những thanh niên vươn lên sau lầm lỡ đã  chia sẻ những câu chuyện xúc động về cuộc đời mình, những bài học hoàn lương và những kinh nghiệm làm kinh tế giỏi. Đồng thời, BCH Đoàn cũng mời các giáo viên tâm lý của ĐH Đà Nẵng và Đồn công an Điện Nam - Điện Ngọc về hướng dẫn, trao đổi cách thức tiếp cận các vấn đề xã hội cho thanh niên. 

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.