Đoàn bác sĩ Đại học Phạm Ngọc Thạch tham quan thực tế Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 6/7, tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), 41 học viên khoa Quản lý y tế trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đến tham quan, học tập thực tế về quy trình xử lý chất thải rắn và công tác bảo vệ môi trường tại VWS.

Chương trình do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức, nhằm nâng cao công tác đào tạo gắn kết với thực tiễn. Các học viên là những bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, đang theo học Chuyên khoa 2 ngành Quản lý y tế trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Đoàn bác sĩ Đại học Phạm Ngọc Thạch tham quan thực tế Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ảnh 1

Tại VWS, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty đã giới thiệu với đoàn bác sĩ về quy trình, công nghệ xử lý chất thải. Sau đó đoàn đã tham quan, tìm hiểu thực tế tại bãi rác và các dây chuyền xử lý nước rỉ rác...

Đoàn bác sĩ Đại học Phạm Ngọc Thạch tham quan thực tế Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ảnh 2

Sau khi tham quan, các học viên đều cho biết đã thay đổi quan điểm nhìn nhận về quy trình xử lý rác hiện nay. BS CKI Hoàng Văn Triều, chuyên khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ: “Sau chuyến tham quan, bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều suy nghĩ. Trước khi đến, chúng tôi nghĩ rằng việc xử lý rác thải rất đơn giản, gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Tuy nhiên khi đến đây, tận thấy công ty áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình từ việc xử lý nước thải, thời gian chôn lấp và khống chế luôn mùi thải ra môi trường... Chúng tôi thay đổi quan điểm và nhìn nhận, khi mình ứng dụng công nghệ vào thì rác thải sẽ trở thành tài nguyên và đem lại nhiều lợi ích cho thành phố. Tôi cũng bất ngờ vì đến bãi rác nhưng hầu như không còn ngửi thấy mùi hôi”.

Đoàn bác sĩ Đại học Phạm Ngọc Thạch tham quan thực tế Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ảnh 3

Còn BS CK1 Phan Thị Thanh Hà, khoa Nhi - Nhiễm Bệnh viện quận 8 cho biết: “Khí lấy được từ nguồn rác thải được dùng để sản xuất điện, khí gas, thậm chí những chất vô cơ cũng được sử dụng làm phân bón, dùng trong chăn nuôi… Tất cả những điều này chúng tôi đều đã được học lý thuyết nhưng hôm nay thấy thực tế, mới thấy sự chuẩn bị và quản lý chặt chẽ như vậy”.

Ông David Dương, Tổng giám đốc VWS đã giải đáp nhiều câu hỏi của các bác sĩ liên quan đến quy trình vận hành, công nghệ xử lý rác, nước rỉ rác… Ông cũng cho biết, trung bình công ty tiếp nhận và xử lý 7.000 tấn rác thải/ngày, thành phần rác thải chủ yếu là rác hữu cơ, có độ ẩm cao trên 60% và dự kiến đến năm 2030 sẽ đóng cửa, ngừng tiếp nhận rác.

Đoàn bác sĩ Đại học Phạm Ngọc Thạch tham quan thực tế Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ảnh 4

“Chúng tôi đang triển khai dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh ở Long An có quy mô lớn với các công nghệ phù hợp nhất để xử lý rác cho TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được triển khai trên khu đất 1.760ha tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có vốn đầu tư ban đầu giai đoạn 1 khoảng 800 triệu USD, quy mô xử lý ước tính khoảng 30.000 tấn/ngày. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ xử lý từ rác thải sinh hoạt đến các loại rác thải nguy hại và rác thải y tế cũng như rác thải công nghiệp, rác thải điện tử, phân bón hầm cầu, bùn cống rãnh bị ô nhiễm, nước thải và vỏ xe cũ,… chúng tôi cũng dự định sẽ xây dựng khu công nghệ cao ở đây nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp xây dựng khu dân cư, trường học, bệnh viện để phục vụ cho khu công nghệ cao” - ông David Dương cũng thông tin thêm với đoàn.

TS.BS Lê Văn Nhân, Giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Đây là hoạt động thực tập, kiến tập bổ ích dành cho những bác sĩ nắm vai trò lãnh đạo của các bệnh viện, cơ sở y tế. Tham quan tại VWS giúp các bác sĩ nắm rõ hơn về tầm quan trọng của việc xử lý rác, phân loại rác tại nguồn, tìm hiểu thực tế công nghệ xử lý rác tại Việt Nam, để phục vụ cho công tác. Đồng thời các bác sĩ sẽ góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng”.

MỚI - NÓNG