Sản phẩm hoàn toàn tương đương với phương pháp hiện đại ngoại nhập trong khi giá thành rẻ hơn rất nhiều. Thành công này đã mở ra một bước tiến mới trong việc ứng dụng sản phẩm vào việc phát hiện vi khuẩn gây bệnh lao ở người hiện nay.
Que giấy thử nghiệm do ThS. Phạm Thái Bình, giảng viên Bộ môn Xét nghiệm, Khoa Điều dưỡng &KTYH của Trường ĐH Y Dược TP HCM và các cộng sự của Cty sinh học Nam Khoa, quận 7, TPHCM nghiên cứu.
Điểm hạn chế của thử nghiệm niacin kinh điển là sử dụng cyanogen bromide – một loại hóa chất rất độc thần kinh và ở dạng dung dịch, có thể bay hơi trong quá trình pha chế, bảo quản và sử dụng. Chính vì thế, thử nghiệm này rất nguy hiểm cho người thực hiện.
Từ thực tế trên, ThS. Phạm Thái Bình và các cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu nhằm nghiên cứu quy trình chế tạo que giấy thử nghiệm niacin có chất lượng và giá thành hợp lý. Công trình được bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2007.
Que giấy được chế tạo bằng giấy thấm có độ dày 6mm, que có kích thước 8 X 60mm. Đây là que giấy niacin đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam có độ nhạy, độ đặc hiệu quả cao và an toàn khi sử dụng, có thể định danh vi khuẩn lao trong vòng 1 phút.
Que giấy niacin đã được chuyển giao kỹ thuật cho Cty Nam Khoa để sản xuất và cung cấp cho các bệnh viện, trung tâm y tế như: Bệnh viện lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), Viện Lao và bệnh phổi trung ương (Hà Nội), Trung tâm lao và bệnh phổi các tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ…