Điều tra lại vụ người trốn truy nã 'được tuyên dương trên tivi'

Nói lời sau cùng, bị cáo Tân mong muốn tiếp tục làm tổ dân phố. Ảnh: Tân Châu
Nói lời sau cùng, bị cáo Tân mong muốn tiếp tục làm tổ dân phố. Ảnh: Tân Châu
TPO - Cho rằng lời khai của bị cáo mâu thuẫn, nhiều nội dung chưa làm rõ và phát sinh tình tiết mới, Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ.

Chiều nay (14/9), Tòa phúc thẩm Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ bị cáo Nguyễn Minh Tân (nguyên phó ban bảo vệ dân phố phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), theo kháng cáo của gia đình nạn nhân.

Bị cáo Nguyễn Minh Tân là người trốn lệnh truy nã 20 năm và bị phát hiện khi lên sóng truyền hình trong chương trình “Tỏa sáng giữa đời thường”.

Vào ngày 14/9/2015, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Tân 1 năm 6 tháng tù.

Do thời hạn tạm giam bị cáo bằng mức án sơ thẩm nên Nguyễn Minh Tân đã được trả tự do, chờ phiên tòa phúc thẩm này.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, khoảng 2 giờ sáng ngày 11/11/1994, Tân tổ chức uống rượu, bia cùng khoảng 10 thanh niên (trong đó có Nguyễn Đình Lâm) tại trước hẻm khu phố 1, đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Do Lâm đến chỗ chị Nguyễn Thị Phiên (bán cháo vịt và xăng lẻ ở vỉa hè) gần đó mua thiếu 2 lít xăng nhưng chị này không đồng ý. Cháu chị Phiên là Nguyễn Cảnh Tặng có lời miệt thị Lâm nên Lâm tức giận lấy chai bia đập bể đuổi đánh Lâm.

Tặng chạy thoát, Lâm quay ra đập bể tủ kính bán cháo của chị Phiên rồi về thuật lại câu chuyện này cho một số thanh niên, nghe xong nhóm thanh niên này quay lại chỗ chị Phiên nói chuyện.

Nhóm thanh niên thấy Nguyễn Long đứng xem nên hỏi mượn hộp quẹt và quên không trả dẫn đến xích mích.

Long bỏ đi thì bất ngờ 4-5 thanh niên trong nhóm Lâm đến nắm cổ áo đòi đánh. Tân chạy ra can ngăn (Tân và Long có quen biết nhau từ trước).

Lúc đó, Long  lấy cây gậy hỗn chiến với nhóm thanh niên. Hai người anh của Long là Nguyễn Lân và Nguyễn Liễng nghe tin em bị đánh liền cầm gậy gỗ ra tham chiến.

Nhóm thanh niên chống trả, dùng dao, mã tấu đâm, chém và dùng cây sắt đánh Nguyễn Liễng và Nguyễn Lân nằm gục tại chỗ.

Bà Huỳnh Thị Dọn (mẹ của 3 anh em Long) đến đưa Lân, Liễng đi cấp cứu nhưng Lân đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Ngày 11/11/1994, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP.HCM khởi tố vụ án, bắt giam Nguyễn Đình Thanh Lâm, Nguyễn Long về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Ngày 4/11/1995, TAND TP.HCM xét xử và tuyên án Lâm 3 năm tù, Long 2 năm tù.

Do Nguyễn Minh Tân bỏ trốn nên ngày 28/11/1994, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP.HCM ra Quyết định truy nã về tội “Giết người” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Trong thời gian bỏ trốn, Nguyễn Minh Tân làm công việc liên quan tới mồ mả, trong lúc làm công việc này tại một nghĩa trang, Tân lượm được giấy CMND (bản photo ) mang tên Võ Minh Hùng và làm đội phó bảo vệ khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân.

Vào năm 2014, Tân được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng giữa đời thường”.

Đến ngày 12/9/2014, Nguyễn Minh Tân ra đầu thú tại công an phường Bình Hưng Hòa A và bị bắt giam.

Sau bản án sơ thẩm, gia đình bị hại kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra hành vi Nguyễn Minh Tân giết người.

Tại phiên tòa phúc thẩm chiều nay, luật sư Nguyễn Ngọc Tân (Đoàn luật sư TP Hà Nội – bảo vệ cho gia đình bị hại) đã nêu tình tiết mới, đó là lời khai nhân chứng thấy Tân vào thời điểm xảy ra vụ án đã cầm hai con dao nói với ông Tâm (công an phường 15, quận Bình Thạnh) là vừa đâm chết nạn nhân.

“Tướng tao vầy mà đâm là lủng ruột” – vị luật sư dẫn lời Tân nói với ông Tâm.

Dẫn chứng tình tiết mới này, vị luật sư nói rằng quá trình điều tra đã không lấy lời khai ông Tâm, hay nói chính xác là ông Tâm đã ‘mất hút’ trong hồ sơ vụ án, trong khi đó ông Tâm là nhân chứng quan trọng.

Ngoài ra, luật sư phía bị hại cũng nêu hàng loạt nhân chứng khác thấy Tân cầm dao ‘khua’ chứ không phải gậy dân phòng như Tân khai.

Phía gia đình nạn nhân cũng cho rằng, sau khi phát hiện Tân trên truyền hình, gia đình báo công an đến bắt Tân, tuy nhiên bản án sơ thẩm lại tuyên nói rằng Tân đầu thú là sai sự thật.

“Tôi dẫn hai cán bộ công an tới phường Bình Hưng Hòa bắt Tân rõ ràng mà” – Gia đình nạn nhân nói trước tòa.

Về phía bị cáo Tân, trả lời đại diện VKSND Cấp cao giữ quyền công tố tại phiên tòa về câu hỏi “Vì sao lại bỏ trốn” – Tân đáp lời là sợ bị trả thù.

“Sợ ai trả thù?” – VKS ‘truy’ hỏi tiếp. “Dạ bị cáo sợ nhóm thanh niên gây ra hậu quả trả thù, vì bị cáo bị hù dọa khai ra sự việc thì gia đình bị cáo sẽ bị xử, bị cáo biết những người này toàn là dân nghiện ngập” – bị cáo Tân trả lời.

VKS tiếp tục hỏi “Bị cáo chung nhóm họ, đánh nhóm kia mà còn sợ à, sợ là sợ gia đình nạn nhân, sợ pháp luật trừng trị chứ”.

Tân làm thinh, VKS lập luận: Sau khi xảy ra vụ việc, bị cáo thay tên đổi họ tới 20 năm chỉ vì sợ người cùng nhóm xử mình, trong khi đó, chỉ cần bị cáo không khai ra thì ai làm gì bị cáo”.

Nghe vậy, Tân… thay câu trả lời là sợ… gia đình nạn nhân trả thù.

Sau khi xét hỏi bị cáo, đại diện VKS nêu quan điểm buộc tội cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên mà chưa làm rõ lời khai của các nhân chứng; bị cáo Tân đã có mâu thuẫn trong lời khai, lúc khai vì sợ gia đình nạn nhân trả thù, lúc khai sợ đồng bọn trong nhóm trả thù nên thay tên, đổi họ và lẫn trốn 20 năm…

Từ nhận định trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên chấp nhận kháng cáo của gia đình bị hại, hủy bản án sơ thẩm để điều tra làm rõ vụ án.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Tân khiến những người dự tòa bất ngờ khi cho rằng “Sau khi tạm giam bằng mức án sơ thẩm 1 năm 6 tháng, bị cáo được trả tự do và… tham gia vào Tổ dân phố phường Bình Hưng Hòa, vì vậy bị cáo mong cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm để bị cáo tiếp tục được làm dân phòng”.

Sau giờ nghị án, HĐXX chấp nhận quan điểm của VKS, qua đó tuyên hủy bản sơ thẩm, giao cơ quan điều tra làm rõ toàn diện vụ án này.

MỚI - NÓNG