Điếu Ngư/Senkaku: Ác mộng thảm họa

Điếu Ngư/Senkaku: Ác mộng thảm họa
Lần đầu tiên trong lịch sử cuộc tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền với Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Bắc Kinh và Tokyo đã phải viện đến chiến đấu cơ. Diễn biến tranh chấp đang phát triển theo chiều hướng kịch bản xấu và đe dọa sớm vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Điếu Ngư/Senkaku: Ác mộng thảm họa ảnh 1

Ngày 13-12 ở phía Nam vùng trời đảo Uotsuri lớn nhất trong dãy Senkaku/Điếu Ngư xuất hiện máy bay khảo sát biển B-3837 thuộc thành phần Cơ quan quản lý Đại dương của CHND Trung Hoa.

Nhật Bản đã phái các phi cơ tiêm kích F-15 lên ngăn chặn chiếc máy bay dân dụng này . Không xảy ra sự cố gì, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã lệnh cho các thuộc cấp tương ứng siết chặt kiểm soát vùng Senkaku/Điếu Ngư.

Bắc Kinh đưa ra tuyên bố rằng sự gia tăng đòi hỏi trả lại đảo Điếu Ngư chính là xuất phát từ động thái của chính phủ Nhật Bản, mua lại và quốc hữu hóa mấy hòn đảo trong vùng tranh chấp trước đây vốn là sở hữu tư nhân.

Việc phô trương họat động chống Nhật của các nhà hoạt động xã hội ở Trung Quốc đòi lấy lại Điếu Ngư/Senkaku, hiện diện của ngư dân và tàu tuần tra trong vùng biển “nóng”, và hàng lọat cuộc biểu tình chống Nhật kèm theo đập phá các cơ sở Nhật Bản ở Trung Quốc đã gây tổn thương đáng kể cho quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhiều chuyên viên đã hy vọng rằng những hành động chống đối này chỉ giới hạn trong dịp Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc. Người ta đã chờ đợi rằng, sau khi hoàn thành Đại hội, những hành động như vậy sẽ triệt thóai và mối quan hệ Nhật-Trung rồi sẽ trở lại quĩ đạo bình thường.

Niềm hy vọng đó thể hiện qua phát biểu của các chuyên viên Trung Quốc. Họ thừa nhận là chiến dịch xung quanh Điếu Ngư/Senkaku gây phương hại cho quan hệ giữa hai nước và tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ tìm thấy giải pháp xứng đáng thoát ra khỏi tình trạng này. Thế nhưng Đại hội Đảng đã kết thúc, mà họat động om sòm của người Trung Quốc về quần đảo tranh chấp vẫn không chấm dứt.

Chính phủ Nhật Bản thấy không thể không có phản ứng - ở đất nước này sắp tới cần tổ chức bầu cử Quốc hội, và sự nhẹ nhàng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ hiển nhiên sẽ làm lung lay hơn nữa vị thế vốn đã chẳng mấy vững vàng của đảng Dân chủ cầm quyền.

Mà như các chuyên gia dự đoán, nếu đảng Dân chủ Tự do đối lập giành được chiến thắng trong bầu cử, thì hẳn là sẽ phải chứng tỏ sự cứng rắn trong cuộc tranh chấp lãnh thổ. Vấn đề là ở chỗ, họ khó có thể làm hài lòng các cử tri bằng chiến thắng trên mặt trận kinh tế, ít nhất là trong tương lai gần.

Nhưng điều tồi tệ hơn đối với Trung Quốc là Tokyo sẽ buộc phải đẩy mạnh phát triển hợp tác quân sự với Mỹ và chuyển đổi Lực lượng Phòng vệ dân sự không hề yếu của mình thành một quân đội hòan chỉnh.

Người Nhật từng cố gắng làm điều đó cả thời gian trước đây, nhưng còn e ngại sự bất bình của các nước châu Á, từng chịu đau khổ dưới ách quân phiệt Nhật Bản. Giờ đây, chẳng còn phải lo ngại sự bất bình đó nữa, ít nhất cũng là từ phía Philippines.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Anh "Financial Times" đã tuyên bố ủng hộ việc Nhật Bản tạo lập lực lượng vũ trang đầy đủ, có thể trở thành đối trọng nặng ký so với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thái độ thiện cảm của phía Philippines dành cho quân đội Nhật Bản bắt nguồn trước hết là ở tình trạng leo thang tranh chấp với Trung Quốc xungquanh những hòn đảo ở biển Biển Đông.

Cũng không nên quên thêm một yếu tố nữa đẩy nhanh tiến độ quân sự hóa của Nhật Bản. Đó là vụ phóng vệ tinh nhân tạo của Bình Nhưỡng, minh chứng về sự lớn mạnh trong năng lực khoa học và công nghệ tiên tiến của CHDCND Triều Tiên.

Cùng với thực tế đó, còn phải tính rằng Bình Nhưỡng mới đây đã triển khai chương trình làm giàu uranium, mà tiến triển có thể dự kiến là việc Bắc Triều Tiên tạo ra vũ khí hạt nhân.

Viễn cảnh đó không chỉ kích thích Nhật Bản mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ về phòng thủ tên lửa, mà còn cấp nguyên cớ để đưa vào chương trình nghị sự quốc gia vấn đề từ bỏ qui chế phi hạt nhân. Phương án đó sẽ điều chỉnh cơ hội của Tokyo trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh bởi Trung Quốc từ lâu đã là cường quốc hạt nhân.

Tuy nhiên, lại cũng yếu tố này sẽ kích động cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á và làm tăng vọt khả năng về một cuộc xung đột hạt nhân. Nói tóm lại là cơn ác mộng thảm họa.

Theo Voice of Russia

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG