Điều kiện đầu tư kinh doanh những vướng mắc cần tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
Trong 4 năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều đợt rà soát về điệu kiện kinh doanh trong đó đã bãi bỏ, đơn giản hóa một số lượng lớn về điều kiện kinh doanh bất hợp lý và chưa đảm bảo tính minh bạch.

Tuy vậy, nếu rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, vẫn có thể tìm thấy khá nhiều điểm vướng gây cản trở quá trình gia nhập thị trường cũng như làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát loại bỏ triệt để tất cả những điểm nghẽn làm vướng chân doanh nghiệp. Những phân tích và chia sẻ mà Luật sư Trần Thị Thanh Huyền, Luật sư thành viên Văn phòng Luật NHQuang & Cộng sự đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp khán giả có cái nhìn tổng quan hơn xung quanh vấn đề này.

Trước tiên xin cảm ơn Bà Trần Thị Thanh Huyền đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Vâng không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc thay đổi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, với vai trò là một luật sư, có điều kiện tiếp xúc và lắng nghe được những ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp, theo bà những điểm sáng về điều kiện đầu tư kinh doanh đó đã đủ để hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp chưa thưa bà?

Đầu tiên, phải khẳng định, những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua về chính sách cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính,… nhằm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều kiện đầu tư kinh doanh những vướng mắc cần tháo gỡ ảnh 1

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy, các quy định mới - là những quy định về cải thiện môi trường kinh doanh luôn mang tính chất tác động “về lâu về dài” đối với doanh nghiệp chứ không không phải là những quy định mang tính hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Bởi dù sao thì những quy định này cũng cần phải có thời gian để triển khai và áp dụng trên thực tiễn. Do vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, các doanh nghiệp vẫn rất cần những chính sách có tác động trực tiếp và hiệu quả ngay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đơn cử như những chính sách về hỗ trợ vay vốn, ưu đãi thuế, chính sách về bảo hiểm… sẽ mang lại sự khuyến khích, kích thích mạnh mẽ và hiệu quả hơn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế đang phải chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19 như hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy còn rất nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh có nội dung quy định chưa rõ ràng, và hay sử dụng các từ khó định lượng như dùng từ đủ, phù hợp, đảm bảo.....theo bà với những quy định như thế này cần phải được điều chỉnh theo hướng nào để gỡ khó cho doanh nghiệp?

Theo tôi, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh hiện nay, bên cạnh việc cắt giảm về mặt số lượng, cần tập trung vào chất lượng soạn thảo các điều kiện theo hướng minh bạch và cụ thể. Tất cả những điều kiện kinh doanh đang được thể hiện ở các quy định mơ hồ, ví dụ như: có khả năng đóng góp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực thị trường địa lý hoặc có hiệu quả kinh tế xã hội hoặc đảm bảo điều kiện vật chất kỹ thuật hoặc đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế… cần phải xác định tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp có cở sở thực hiện, tránh việc áp dụng tuỳ nghi giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong trường hợp không xác định được các tiêu chí cụ thể thì cần phải loại bỏ ngay.

Thứ hai, cần rà soát để thống nhất điều kiện, thủ tục và thẩm quyền cấp phép giữa các văn bản pháp luật. Thực tế vẫn có sự không thống nhất giữa các văn bản, ví dụ như: các văn bản chuyên ngành quy định thêm các điều kiện hoặc hồ sơ khi thực hiện thủ tục hoặc các văn bản hướng dẫn “mở rộng” các sản phẩm, dịch vụ cần phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Và để có thể tiếp tục nâng bậc xếp hạng môi trường kinh doanh thì tới đây các bộ ngành cần phải có kế hoạch và phương pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh như thế nào cho hiệu quả thưa bà?

Cắt giảm điều kiện kinh doanh là cần thiết cho doanh nghiệp, tuy nhiên, việc cắt giảm không nên tư duy theo hướng: cắt giảm được càng nhiều càng. Đôi khi việc đáp ứng và đảm bảo tốt các điều kiện kinh doanh lại là thước đo giá trị của doanh nghiệp và giúp nâng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Do vậy, thực tế, chúng tôi nhận thấy, doanh nghiệp không hẳn là ngại việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh, điều doanh nghiệp e ngại là không biết đáp ứng điều kiện như thế nào, rồi những khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục xuất phát từ những quy định thiếu rõ ràng, cụ thể của pháp luật và tạo ra sự tuỳ nghi trên thực tế đang là rào cản kỹ thuật lớn cho doanh nghiệp.

Điều kiện đầu tư kinh doanh những vướng mắc cần tháo gỡ ảnh 2

Do vậy, một lần nữa tôi nhấn mạnh việc tập trung cải thiện chất lượng của các quy định pháp luật khi xây dựng điều kiện kinh doanh theo hướng cụ thể, rõ ràng, minh bạch như đã được đề cập ở trên. Theo đó, tiếp tục rà soát tổng thể các luật có liên quan, xây dựng quy trình từ khi bắt đầu cho đến khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, ở mỗi giai đoạn cần xác định rõ luật nào đang điều chỉnh, có sự chồng lấn và/hoặc chồng chéo giữa các luật không. Đối với mỗi điều kiện kinh doanh, cần xác định mục tiêu rõ ràng của điều kiện được đặt ra, đánh giá tác động về mặt kinh tế - xã hội khi áp dụng,… Từ đó, loại bỏ các quy định không cần thiết, không thực chất, mang tính hình thức, mâu thuẫn, chồng chéo,…

Thứ hai, cần từng bước thay đổi cách tiếp cận trong quản lý nhà nước, tránh sử dụng các biện pháp quản lý hành chính vào thị trường, can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, bên cạnh việc rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện các quy định về điều kiện kinh doanh, cũng cần tập trung vào các quy định mang tính chất chế tài đối với các doanh nghiệp hoạt động mà không đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Thực tế, quy định của pháp luật trong vấn đề này mới dừng lại ở quy định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tôi đánh giá là không đáng kể so với lợi nhuận hoặc lợi ích mà doanh nghiệp đạt được. Những chế tài mang tính quyết liệt ví dụ như: rút giấy chứng nhận đầu tư hay giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng…, điều này phần nào gây ra tâm lý không tuân thủ của các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.