Chủ động trước làn sóng sữa ngoại
Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NTNT (Bộ NN&PTNT) cho biết, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) khiến ngành sữa Việt Nam gặp nhiều thách thức.
Bởi, theo các hiệp định, thuế nhập khẩu các sản phẩm sữa từ các nước về Việt Nam sẽ chỉ còn 0-5%. Trong đó, các nước CPTPP và EVFTA đều là cường quốc xuất khẩu sữa như: New Zealand, Đức, Hà Lan, Úc…
“Ngành sữa Việt Nam ở đâu so với cường quốc trên, có phải như cậu bé và người khổng lồ”- ông Thắng nói và đưa con số: Giá thành sản xuất sữa của nông dân Việt Nam khoảng 10.000 đồng/kg, trong khi ở Úc chỉ 6.500 đồng/kg còn ở EU và Mỹ chỉ 5.500 đồng/kg.
Từ góc độ nhà sản xuất sữa, doanh nhân Trần Công Chiến, TGĐ Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) cho rằng, các nước như Mỹ, New Zealand, Úc…có quỹ đất lớn, công nghệ hiện đại. Diện tích nuôi bò lên tới hàng trăm nghìn ha với khoảng 4-5 triệu con bò sữa, vì thế giá thành rẻ hơn và sản phẩm sữa đã có tiếng khắp thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, hội nhập và cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nên doanh nghiệp và nông dân phải gắng sức, hợp lực cùng nhau “tác chiến”.
Theo ông Chiến, Mộc Châu đã tăng quy mô nông hộ để tăng khả năng ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
“Trọng tâm của chúng tôi vẫn là chăn nuôi nông hộ và thực tế nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Canada… cũng đều như vậy với quy mô khoảng 80 - 300 con/hộ”, ông Chiến phân tích. TGĐ Mộc Châu Milk cũng cho biết, công ty hiện đang có quy mô bình quân trên 42 con/hộ, hộ nuôi nhiều nhất trên 200 con và mục tiêu hướng đến bình quân khoảng 50-55 con/hộ.
Hiện toàn công ty có tổng đàn gần 25.500 con, nuôi tại 548 hộ ở 10 đơn vị chăn nuôi và ba Trung tâm giống. “Bò sữa ở Mộc Châu cho trung bình 7,5 tấn sữa/chu kỳ, và mục tiêu nâng lên 8 tấn/chu kỳ là hạnh phúc rồi”, ông Chiến nói.
Tới đây, Mộc Châu Milk sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển thêm các hộ chăn nuôi ngoài công ty, phù hợp với quy hoạch phát triển đàn bò sữa của Sơn La, tầm nhìn đến năm 2030 là 70.000 - 100.000 con.
Theo ông Chiến, Mộc Châu Milk sẽ tập trung phát triển sản phẩm mới và tăng độ phủ trên thị trường. Ngoài các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Mộc Châu Milk sẽ xuất hiện nhiều hơn các kệ hàng ở TPHCM và các tỉnh miền Nam, đáp ứng nhu cầu về dòng sữa mát lành từ cao nguyên trù phú vùng Tây Bắc.
Mộc Châu Milk hiện là một trong 5 DN của Việt Nam được lựa chọn để xuất khẩu sữa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc - thị trường 1,4 tỷ dân có nhu cầu sữa rất lớn. Dự kiến, lô hàng sữa đầu tiên xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc vào trung tuần tháng 10/2019 này.
Sức mạnh từ mô hình liên kết
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nhu cầu tiêu thụ sữa Việt Nam còn rất lớn, khi mức tiêu thụ bình quân hiện chỉ 27 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chưa kể các thị trường trong khu vực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân đang có nhu cầu rất lớn.
Tuy nhiên, theo ông Chinh, ngành sữa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt, ngay cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sữa, độ an toàn và hạ giá thành…để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, ở Việt Nam hiện tiềm năng chăn nuôi bò sữa quy mô nông hộ còn rất lớn. Trong đó, Mộc Châu Milk hiện là đơn vị áp dụng thành công nhất mô hình liên kết khép kín từ trồng cây thức ăn - chăn nuôi bò sữa - sản xuất - chế biến các sản phẩm từ sữa - tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Trong nhiều năm qua, chăn nuôi nông hộ kết hợp với các trại chăn nuôi tập trung có quy mô lớn là mô hình đúng đắn và phù hợp cho thấy quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo Mộc Châu Milk.
TGĐ Mộc Châu Milk Trần Công Chiến cho biết, từ những năm từ 1990 đàn bò của Công ty đã được giao khoán cho các hộ là công nhân chăn nuôi quản lý, nuôi dưỡng, giúp họ xác định chăn nuôi bò sữa là ngành nghề chính, gắn bó với Công ty.
Công ty tổ chức các dịch vụ kỹ thuật về khuyến nông, thú y, thụ tinh nhân tạo và thu mua hết sữa các hộ sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng, giúp các hộ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.
Cùng với đó, để làm tốt vai trò “bà đỡ”, một sáng kiến của ông Chiến cũng được triển khai từ năm 2001 đến nay chính là quỹ bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa, hỗ trợ sản xuất (hiện là quỹ hỗ trợ chăn nuôi). Đây là những chính sách chỉ ở Mộc Châu Milk thành công thời gian qua, giúp cho các hộ không may gặp rủi ro có điều kiện giảm bớt khó khăn, nhanh chóng phục hồi chăn nuôi.
Ông Đinh Công Đạo, chủ trang trại bò sữa hơn 110 con ở tiểu khu Vườn Đào, Thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết, gia đình ông khá lên từ hai bàn tay trắng nhờ chăn nuôi bò sữa.
Theo ông Đạo, với khoảng 40% đàn bò đang vắt sữa, ông thu về trên 10 triệu đồng/ngày từ sữa. “Trong lúc ngành sữa cạnh tranh gay gắt cả sữa nội lẫn sữa ngoại, Công ty đã bao tiêu hết sữa cho chúng tôi với giá ổn định, ngược lại, các hộ nuôi phải có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi để nâng cao chất lượng sữa, bởi chất lượng sữa tốt giá mới cao, từ đó giữ gìn và phát triển hơn nữa thương hiệu sữa Mộc Châu”, ông Đạo chia sẻ.
Ngoài ra, đến nay Mộc Châu Milk đã liên kết với các xã trong huyện Mộc Châu và một số huyện lân cận trong việc hợp đồng cung cấp ngô cây làm thức ăn ủ chua cho đàn bò. Hàng năm mua 160.000 - 180.000 tấn ngô cây, 15.000 tấn ngô hạt, với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho 3.000 - 4.000 lao động.
“Những hộ dân trồng ngô để nuôi bò và bán sữa cho Công ty, hoặc chỉ cần trồng ngô bán làm thức ăn cho bò sữa cũng được công ty thu mua cao hơn so với giá thị trường. Công ty và người dân cùng phát triển, làm giàu trên mảnh đất của cha ông mình” - ông Chiến chia sẻ.
Theo ông Chiến, một trong những vấn đề được Mộc Châu Milk tập trung đầu tư thời gian qua là thu gom xử lý chất thải chăn nuôi theo công nghệ sinh học. Công ty hiện có hơn 40 hộ sử dụng máy ép phân, giúp các hộ chăn nuôi tăng thu nhập đồng thời bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.
Hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa đang rộn ràng chuẩn bị cho Hội thi “Hoa hậu Bò sữa” Mộc Châu lần thứ 16 sẽ diễn ra vào ngày 14-15/10 tới. Đây là sự kiện thường niên, độc đáo của Mộc Châu Milk nhằm tôn vinh nghề chăn nuôi bò sữa, những người chăn nuôi và cũng là dịp để du khách đến với Mộc Châu.
với các hộ chăn nuôi sẽ giúp Mộc Châu Milk tự tin cạnh tranh trên thị trường