Điều bí ẩn mang tên Torres
> Vượt qua nỗi ám ảnh mang tên Mourinho
Trong hồi ký của mình, Fernando Torres kể chuyện về những ngày đầu tiên anh đến Liverpool, một quãng thời gian cho người ta thấy cái tên “El Nino” – “Đứa bé” thật phù hợp với tiền đạo này.
Torres khá nhút nhát trước cuộc sống mới. Rào cản ngôn ngữ khiến anh thu mình trong nhà, và thậm chí còn tìm ra một thú chơi mới là tự lắp ráp đồ nội thất thâu đêm suốt sáng – điều anh chưa bao giờ làm thời còn ở Tây Ban Nha.
Torres học tiếng Anh khó bao nhiêu thì anh học cách sống ở Chelsea vất vả gấp 10 lần như thế. |
Thỉnh thoảng, “cậu bé” Torres lấy hết can đảm để nhấc điện thoại tự gọi đồ ăn. Nhưng lần nào cũng vậy, những thứ người ta mang đến... gần giống với thứ mà Torres gọi. Thỉnh thoảng, anh tự đi ra phố mua đồ, nhưng đó toàn là những lần hoa chân múa tay ở quầy thanh toán mà không biết phải đối thoại thế nào. Thỉnh thoảng, anh lại phải gọi điện cầu cứu Pepe Reina – người đồng hương đã tới Liverpool trước.
Hai giáo viên tiếng Anh của Torres nghĩ ra một phương pháp mới để trau dồi khả năng giao tiếp của El Nino: họ bắt anh phải gọi điện đến bộ phận chăm sóc khách hàng của các công ty. Anh gọi điện để hỏi giá của đủ thứ, từ xe hơi cũ đến thú nuôi, và chỉ có ở đó, mới có người đủ kiên nhẫn để “hầu chuyện” chàng trai người Tây Ban Nha.
Sáng kiến này khiến Torres rất sợ, nhưng có vẻ như đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình học tiếng của anh: hơn một năm sau ngày đặt chân đến Anh, tháng 9/2008, anh đã có thể giao lưu với kênh truyền hình của Liverpool hoàn toàn bằng tiếng Anh, dù chưa trôi chảy lắm.
Ở đây có một hình ảnh mang đầy tính hình tượng: chỉ có những người được trả lương để nhẫn nại, như các nhân viên trực tổng đài điện thoại, mới có đủ sức chịu đựng một Fernando Torres ngọng nghịu và giúp anh tiếp nhận được ngôn ngữ mới khi anh chưa sẵn sàng.
Đã đến lúc Torres thôi là một điều bí ẩn. |
Torres học tiếng Anh khó bao nhiêu thì anh học cách sống ở Chelsea vất vả gấp 10 lần như thế. Và ở đây, có bao nhiêu người đã được trả lương để nhẫn nại với Fernando Torres, để tìm mọi cách giúp đỡ anh đến khi nào “Đứa bé” này có thể tự đi trên đôi chân của anh ta?
Anh đã ghi dấu ấn trong ít nhất là 4 đời HLV Chelsea: Ancelotti và Villas-Boas cố dùng anh và chuốc lấy thất bại; Di Matteo và Benitez mất kiên nhẫn, không dùng anh và cũng phải ra đi trong im lặng. Các đồng đội cũng đã cực kỳ kiên nhẫn để tìm cách phối hợp với Torres, theo yêu cầu.
Hoàn toàn có thể nói rằng nhiều người đã nhận lương ở Chelsea để kiên nhẫn với Fernando Torres, như các cô nhân viên tổng đài.
Hôm qua, Torres lại chơi một trận rất hay, đầy năng lượng. Và phải chăng là sự kiên nhẫn của Roman Abramovich và những nhân viên của ông cuối cùng đã được đền đáp? Phải chăng là Đứa bé đã trưởng thành một lần nữa, ở Stamford Bridge?
Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên trong hơn gần 3 năm Torres có mặt ở Stamford Bridge, anh tỏa sáng liên tiếp trong 2 trận. Cũng chẳng phải lần đầu tiên anh tạo ra được những pha đi bóng đầy mãnh lực như trước Man City. Những lần trước đều là tiền đề cho những sự hụt hẫng. Và lần này, mọi thứ liệu có khác?
Có người tin thế. Sau trận thắng Schalke, khi Torres lập cú đúp, Michael Owen khẳng định rằng anh tin sự tự tin của El Nino đã trở lại. Tuy nhiên, chính Owen cũng thừa nhận rằng phong độ của Torres đang là “điều bí ẩn nhất của bóng đá”.
Sau tất cả những sự kiên nhẫn phi thường mà Chelsea dành cho anh, đã đến lúc Torres thôi là một điều bí ẩn.
Bởi vì, Mourinho không phải là mẫu người có thể nhẫn nại như một nhân viên tổng đài.
Theo Đức Hoàng
Bongdaplus