Diễn viên Hải Anh được biết tới với những vai diễn lưu manh, giang hồ trên phim ảnh. Tuy là vai phụ, diễn xuất của anh tạo dấu ấn và được khá nhiều khán giả nhớ đến. Nam diễn viên chia sẻ về những ưu tiên của anh trong nghệ thuật và cuộc sống. Anh cũng trải lòng về những suy nghĩ của một "ông bố đại gia", về cậu con trai từ bé đã sống trong sự giàu có và bảo bọc.
- Lâu lắm anh không xuất hiện trong bộ phim truyền hình nào ngoài những vai diễn ngắn trong các phim hài hay tiểu phẩm cười. Anh lý giải thế nào?
- Mọi người thấy tôi vẫn thường lên phim với những vai đầu trộm đuôi cướp, chém giết này kia. Thời gian vừa rồi cũng có khá nhiều kịch bản chuyển cho tôi nhưng tôi hình dung ra ngay được dạng vai quen thuộc của mình. Mình xuất hiện nhiều quá với hình ảnh đó cũng không hay, phải có cái gì thật cô đọng hay vai diễn nào đó thực sự có tính cách của nhân vật chứ không phải ai đưa kịch bản nào tôi cũng đồng ý. Tôi vẫn chờ có cái gì hay hay mới nhận lời. Thay vào đó, tôi chuyển sang hài cho nó vui một tí, đem đến tiếng cười cho khán giả.
Thời điểm này tôi vừa kết thúc hợp đồng với phim sitcom Botay.kom khi phim tạm dừng để chuyển sang format mới. Tôi có thể gọi là đang thất nghiệp trong nghệ thuật.
- Anh không được mời đóng vai chính bao giờ mà toàn các vai phụ, lại là đầu trộm đuôi cướp. Sự tự ái nghề nghiệp trong anh thế nào?
- Không, tôi không thấy tự ái gì cả. Người ta mời mình là vui rồi. Bây giờ cho mình làm vai nam chính cũng có làm được đâu. Kỹ thuật đóng và thời gian không cho phép để tôi làm vai chính của bộ phim dài tập nào đó. Tôi chỉ là diễn viên nghiệp dư thôi, không quá tự tin với diễn xuất của mình. Vai phụ hoặc không quá nhiều điểm nhấn thì tôi làm được.
Mặc khác, dù nghiêm túc đi chăng nữa, đóng phim với tôi chỉ là hoa lá cành, tranh thủ để mang đến sự thi vị cho cuộc sống chứ công việc chính là kinh doanh. Tôi không thể đánh đổi cả năm trời, bỏ bê công ty để đi đóng phim. Tôi chỉ đi được khoảng vài ngày trong tháng chứ cho mình vai phải đi cả tháng cũng không được.
- Theo học kinh doanh ở Nga, công việc kinh doanh cũng là chính yếu, vậy cơ duyên nào đưa anh đi đóng phim?
- Tôi tham gia vì thích thôi. Tôi chơi với những người bạn có điều kiện đưa mình đi đóng phim. Thời kỳ đầu chủ yếu đảm nhận những vai quần chúng. Ví dụ một đôi vào quán cà phê uống, cần người ngồi xung quanh thế là họ kêu mình đi. Có những phim đôi khi tôi cũng chả nhận ra mình mà chỉ nhận thấy nhờ cái áo mình vẫn hay mặc. Cát-xê thì chỉ 50 nghìn thôi mà vẫn hăm hở ngồi chờ cả ngày để đóng.
Mọi người biết đến mình chủ yếu là một diễn viên nhưng thực ra nghề chính của tôi là kinh doanh, nghề kia chỉ là sở thích, làm cho cuộc sống vui hơn. Đóng phim kiếm tiền nuôi chính mình còn khó huống gì nuôi vợ con. Trước đây tôi thường không lấy cát-xê, sau đó bắt đầu lấy vì có nhiều người dúi vào tay mình, bảo đằng nào vẫn phải làm sổ sách quyết toán. Người ta đưa bao nhiêu tôi nhận bấy nhiều chứ không quan tâm. Nhưng tôi thấy càng lúc càng cao, có lúc được một, hai chục triệu đồng mà vai của mình cũng chỉ thoáng qua thôi, cũng đủ để mua quà cho con.
Sợ con trai có tư tưởng 'cậu ấm'
- Công việc kinh doanh chiếm phần lớn cuộc sống, anh dành thời gian cho con như thế nào?
- Con trai năm nay năm tuổi rưỡi. Quả thực là tôi khá bận rộn, mức độ quan tâm mới chỉ dừng ở chơi với con. Trước đây khi ở nhà, cậu ta có thể làm việc cậu ta, mình làm việc mình miễn là hai bố con cùng phòng. Mình cho thế là dành thời gian cho con rồi nhưng không phải. Gần đây tôi tự nhủ phải cắt thời gian ra, thay vì ngồi máy tính thì chơi với con. Mặc dù rất khó thuộc tên đồ chơi của trẻ con, tôi vẫn phải cố học để nói chuyện với cậu ấy dễ hơn.
- Cuộc sống "đại gia" của vợ chồng anh đồng nghĩa con anh được sống trong điều kiện khá sung túc. Điều đó ảnh hưởng gì tới cháu?
- Chắc chắn sẽ có phần tiêu cực. Ngay trong đời sống hàng ngày thôi, khi rủ cậu đi ăn tối với bố mẹ, cậu ấy sẽ hỏi ngay ăn nhà hàng hay vỉa hè. Cậu ấy từng chứng kiến bố mẹ ăn vỉa hè và nói nếu ăn vỉa hè thì con ở nhà với giúp việc. Hay đi về quê, cậu rất thích gặp bà, anh chị em họ nhưng nếu bảo ở lại nhất quyết không ở.
Có thể do tôi có con một nên bao bọc thái quá khiến cháu không thích nghi được với môi trường đó. Đó cũng là lỗi của bố mẹ. Có thể tôi lớn tuổi nhưng kinh nghiệm làm bố chưa nhiều, con đầu nên bao bọc tứ phía, nó không tiếp xúc được với những cái dân dã mà cái gì cũng phải như ở nhà. Mình vẫn cố nhồi vào đầu nó rằng nhà mình nghèo, con muốn giỏi như bố, làm giám đốc thì phải phấn đấu. Cậu ấy nghe một cách vô hồn xong lại bảo nhà mình có nghèo đâu bố.
Vừa rồi tôi có chuyến đi tập thể với các bạn nhỏ, đó là lần đầu tiên bạn ấy đi chơi với nhiều bạn, tôi nhận ra tính cách của cháu rất hiếu thắng. Tôi cũng phiền lòng vì điều đó bởi rõ ràng bố không đến mức như thế mà con lại háo thắng thế. Hai vợ chồng tôi mới ngồi xem lại cách giáo dục con. Từ trước đến nay chúng tôi vẫn nghĩ con mình rất ngoan, biết nghe lời nhưng khi sinh hoạt tập thể thì rất dở. Tôi cho rằng khi ở nhà chỉ có bố mẹ và con thì nó luôn là số một. Tiếp xúc với bác lái xe, giúp việc hay đến công ty của bố mẹ, ở đâu nó cũng được cưng chiều, vô tình trong tiềm thức nó luôn nghĩ bản thân là số một. Vì thế mà thiếu nhường nhịn bạn bè.
Hải Anh và con trai - bé Híp.
- Điều kiện hồi bé của anh có gì khác?
- Hồi bé tôi không phải trải qua chiến tranh thôi chứ sống rất khổ. Ngày xưa làm gì có đồ chơi mà hay bắt con kiến bỏ vào lọ rồi chơi với kiến cả ngày trên giường. Nhà tôi hồi đó có 6 m2, bố mẹ đi làm, chơi cả ngày như vậy. Điều kiện của con mình giờ so với các bạn cùng trang lứa có thể nói là sống trong nhung lụa.
Con tôi đi học chỉ khoảng 300m, đều là xe đưa xe đón. Thi thoảng tôi cho đi bộ nhưng sau vụ tai nạn ở Ái Mộ mình đâm sợ. Đôi khi mình cũng muốn cho cháu sương gió nhưng hoàn cảnh xã hội nên bản thân mình cũng phải bao bọc hơn. Biết thế nhưng đành phải bảo để nó lớn lớn rồi sương gió sau.
- Anh trang bị cho con thế nào để lớn lên trong môi trường nhiều cạm bẫy như hiện nay?
- Tôi hướng dẫn cháu dần dần thôi và cũng theo kiểu bản năng của mình chứ chưa nghiên cứu giáo trình nào cho cháu về kỹ năng sống. Việc quấy rối tình dục trẻ em đang rất nóng, vô tình có người bạn truyền đạt cho tôi kinh nghiệm đáng giá. Người Việt vẫn có thói quen gặp bé trai là búng chim. Việc đấy ở nước ngoài là tối kỵ. Ở trường học nước ngoài dạy rằng chỉ bản thân và bác sĩ mới được động chạm tới chỗ thầm kín đấy. Bản thân các bác, các ông, các bố đụng chạm vào khiến đứa trẻ nó nghĩ bình thường thì khi lớn lên sẽ có những cái lệch lạc. Tôi về nhà truyền đạt lại tất cả mọi người không được làm điều đó và con trai mình.
- Vợ chồng anh định khi nào sinh thêm em bé?
- Công việc kinh doanh cũng cần có những tính toán và thu xếp. Chúng tôi định hai năm nữa sẽ sinh thêm cháu.