Đoàn đã tới khảo sát thực tế tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên, làm việc với với lãnh đạo tỉnh Điện Biên.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên Trần Đăng Khoa cho biết, chất lượng học sinh của nhà trường còn chưa đồng đều; tuyển sinh lớp 10 còn nhiều khó khăn do địa bàn xa, giao thông đi lại khó khăn; cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy chưa đáp ứng nhu cầu; một số môn học chỉ có 1 giáo viên nên khó khăn trong trao đổi chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học…
Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên Trần Đăng Khoa chia sẻ thực tế giáo dục khó khăn. |
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên đề xuất các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng học bổng học sinh nội trú, nâng chế độ phụ cấp nội trú cho giáo viên và học sinh.
Đại diện Phòng GD&ĐT và các trường học trên địa bàn huyện Điện Biên đề nghị được quan tâm tăng thêm biên chế giáo viên, nhất là cấp học mầm non; quan tâm tới chế độ, chính sách cho giáo viên, nhân viên trường học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới; tăng nguồn đầu tư công, nguồn vốn từ các chương trình dự án cho giáo dục…
10 năm chi hơn 397 tỉ cho đổi mới giáo dục
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Tỉnh uỷ Điện Biên cũng nêu, quy mô hệ thống trường, lớp, học sinh tiếp tục phát triển. Chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục từng bước được nâng lên. Các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc, làm thay đổi rõ rệt trình độ dân trí.
Kinh phí đầu tư cho giáo dục được tăng cường. Giai đoạn 2013-2023, tổng kinh phí sự nghiệp bố trí cho các đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong toàn tỉnh là trên 397 tỷ đồng.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng các điều kiện tối thiểu phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách của nhà nước đối với nhà giáo, học sinh được thực hiện góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp học.
Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn như: tại trung tâm một số cụm xã chưa thành lập được trường THPT nên việc huy động học sinh tốt nghiệp THCS học THPT ở những nơi này còn hạn chế. Cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu so với yêu cầu và nhiều nơi xuống cấp cần được đầu tư thay thế.
Tình trạng biến động về đội ngũ do chuyển công tác, thôi việc ngày càng tăng. Thiếu nguồn tuyển giáo viên tiểu học, giáo viên một số môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các nhà trường và ngành Giáo dục Điện Biên quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn, bởi quá trình đổi mới vai trò của thầy cô vô cùng quan trọng. Cùng với việc quan tâm về trình độ chuyên môn, kỹ năng, đội ngũ nhà giáo cũng cần tiên phong, gương mẫu trong ứng xử, giao tiếp, cập nhật thông tin.
“Dẫn dắt của người thầy vô cùng quan trọng. Tập huấn bao nhiêu cũng chưa đủ mà rất cần thầy cô tự vươn lên”, Thứ trưởng nói, đồng thời lưu ý các nhà trường, ngành Giáo dục quan tâm xây dựng trường học hạnh phúc, quan tâm tới sự phối hợp giữa thầy cô, nhà trường với gia đình và xã hội.
Đánh giá về nguồn lực đầu tư cho giáo dục của tỉnh Điện Biên, Thứ trưởng cho rằng, so với nhiều địa phương ngân sách đầu tư cho giáo dục của tỉnh còn khiêm tốn nhưng trong điều kiện nhiều khó khăn đã cho thấy có sự quan tâm nhất định.
Bà Minh đề nghị tỉnh Điện Biên thẳng thắn nhìn vào những vấn đề cần khắc phục, như việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp còn hạn chế, vẫn còn nhiều điểm trường khó khăn cho công tác quản lý. Sắp xếp phải đặt mình vào người học để tính toán nhiều chiều. Quan tâm tới các điều kiện làm việc cho đội ngũ giáo viên; tiếp tục công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và tiếp tục huy động nguồn lực cho đổi mới; coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách, đạo đức cho học sinh.