Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế về những điểm mạnh và thách thức của luật này.
PV: Được đánh giá là một luật có nhiều điểm mạnh so với thế giới, xin bà cho biết, Việt Nam có được những quy định mạnh mẽ nào để hạn chế tới mức thấp nhất những tác hại do rượu, bia gây ra?
Bà Trần Thị Trang: WHO đánh giá Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam có nhiều điểm mới để các quốc gia khác tham khảo về cả quá trình vận động xây dựng Luật cũng như các nội dung trong Luật. Luật phòng, chống tác hại của rượu bia thể hiện tính toàn diện ở mọi khía cạnh về nguồn lực và các biện pháp tổng thể để giảm sự tiêu thụ sẵn có; giảm khả năng dễ tiếp cận để kiểm soát nguồn tiêu thụ rượu bia và giảm tác hại của rượu bia.
Điểm tiến bộ của Luật là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác ở châu Âu, có nơi vẫn có quy định cho ngưỡng dao động 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Với một đất nước có số lượng xe máy nhiều tới 33 triệu chiếc như Việt Nam, việc quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở bằng 0 như Việt Nam là một quy định hết sức mạnh mẽ.
Về giảm tính sẵn có của rượu bia, hiện nay, Luật đang đưa ra quy định một số điểm không được bán rượu, bia tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, nơi làm việc của các cơ quan, các địa điểm công cộng…
Hiện nay Chính phủ đang đề xuất sẽ có thêm khoảng hai điểm nữa sẽ bị cấm bán rượu bia là rạp chiếu phim và công viên. Hiện đã có 123 nước, vùng lãnh thổ đã cấm bán rượu bia tại công viên và có hơn 100 nước cấm bán rượu bia tại các rạp chiếu phim. Khi lấy ý kiến bộ, ngành về điểm này, chúng tôi đều nhận được sự nhất trí cao với đề xuất.
Ngoài ra, Luật cũng có biện pháp kiểm soát giảm tiêu thụ rượu bia như việc quy định trách nhiệm chủ phương tiện, chủ kinh doanh phương tiện vận tải trong việc kiểm soát các lái xe phương tiện của mình không được uống rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông.
Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (ngồn: Internet)
PV: Có những quy định nào trong Luật mà đáng tiếc khi
Luật có hiệu lực có sức ảnh hưởng rất lớn đến thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, đặc biệt là đối với nam giới. Theo bà, Luật sẽ gặp những thách thức nào để có được tính khả thi trong cuộc sống?
Bà Trần Thị Trang: Một trong những điểm thách thức lớn nhất chính là hành vi sử dụng rượu bia của người dân với tỷ lệ còn rất cao, khoảng 80% người sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua. Khi đã thành thói quen lâu đời, muốn thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia rất khó. Vì thế, những biện pháp để có thể triển khai luật hiệu quả là chúng ta phải truyền thông mạnh mẽ để người dân hiểu được, thay đổi hành vi.
Đặc biệt khó ở chỗ, hiện nay, người dân hầu hết nhận thức được tác hại của sử dụng rượu bia, quy định của pháp luật được sử dụng rượu bia ở đâu, quy định không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… nhưng để chuyển sang thay đổi hành vi rất khó.
Hiện nay, Việt Nam chưa có hạn chế điểm bán để hạn chế tính sẵn có của rượu bia. Theo Luật, các quy định về quảng cáo mới điều chỉnh ở mức độ nhất định nên việc tiếp cận rượu bia còn quá dễ dàng. Luật bỏ ngỏ quy định quảng cáo trên không gian mạng làm cho Luật phần nào mất đi tính nghiêm minh của nó. Bởi vì hiện nay, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mạng Internet để mua bán rất lớn, trong khi đó, các quảng cáo rượu bia hiện nay được các nơi bán quảng cáo với nhiều hình thức mới, rượu bia được bán online xuyên biên giới, xuyên thời gian…
Vì thế, theo tôi vấn đề được ưu tiên để giảm tác hại của rượu bia là giáo dục và truyền thông nhằm giảm tính sẵn có của rượu bia, phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu bia. Vì thế, để thay đổi thói quen hàng trăm năm nay của người dân, hướng tốt nhất trong tiếp cận là tác động vào thế hệ trẻ, giảm tuổi bắt đầu sử dụng rượu bia, giảm tiếp cận của giới trẻ với sản phẩm.
Một điểm đáng tiếc trong Luật khi trình Quốc hội thông qua đã bỏ qua điều khoản liên quan chính sách của Nhà nước là đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp, giảm tiêu thụ rượu bia. Lộ trình tăng thuế rượu bia sẽ nằm trong Luật tiêu thụ đặc biệt. Nhưng chúng tôi rất tiếc vì đã bỏ đi quy định này trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vì đó là cơ sở thực hiện cam kết của Quốc hội để có thể sau này sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thuế đối với rượu, bia.
PV: Chỉ còn ít ngày nữa, Luật sẽ có hiệu lực. Để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng. Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã triển khai những hoạt động thực tế nào?
Bà Trần Thị Trang: Khác so với Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia không có quỹ để hoạt động. Đây là một trong những khó khăn để luật đi vào cuộc sống, khi thiếu đi tài chính hỗ trợ cho nguồn lực về nhân lực và các điều kiện khác.
Để thay đổi thói quen, biến nhận thức thành hành vi cụ thể, ngoài tuyên truyền, việc thanh tra, kiểm tra quy định Luật rất quan trọng, đòi hỏi có nguồn lực. Nhưng trong bối cảnh cơ quan nhà nước đang tinh giản biên chế, các lực lượng thanh tra, quản lý thị trường, UBND các cấp còn khó khăn nhất định trong bố trí nguồn lực trong lĩnh vực mới. Công tác thanh, kiểm tra Luật sẽ sử dụng tài chính chi thường xuyên của nguồn ngân sách mà không có nguồn lực nào khác.
Hiện Bộ Y Tế cũng đã đề nghị với Chính phủ đưa ra một kế hoạch để tổ chức triển khai Luật, trong đó giao cho Bộ Công thương và Bộ Y tế xây dựng hai Nghị định để hướng dẫn chi tiết thi hành luật.
Trong đó, Bộ Công thương xây dựng Nghị định quy định về rượu thủ công, quản lý rượu thủ công; quy định liên quan đến vấn đề về sản xuất, nhập khẩu các loại bia rượu. Nghị định của Bộ Y tế hướng dẫn các địa điểm công cộng không uống bia, rượu; hướng dẫn việc quảng cáo rượu, bia qua môi trường mạng.
Xin cảm ơn bà Trần Thị Trang!