Có thể nói Trường ĐHBK Hà Nội là “điểm đến” của những tài năng Vật lí không chỉ trong cuộc thi APhO 2018 vừa qua.
Chương trình phát triển Vật lí đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo ra cơ hội và cũng là thách thức đối với những cơ sở giáo dục đào tạo ngành Vật lý.
Trước thách thức đặt ra, trong những năm qua qua việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo Vật lí kỹ thuật (VLKT) và các ngành dựa trên nền tảng kiến thức Vật lí (điện, điện tử, vật liệu vật lí, cơ khí, động lực, hạt nhân và vật lí môi trường...), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tìm kiếm, phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng những sinh viên ưu tú trở thành nhà vật lí giỏi. Đây cũng chính là nơi “sản sinh” nguồn nhân lực tinh hoa để nghiên cứu vật lí, đóng góp cho khoa học công nghệ nước nhà và quốc tế.
Có thể kể đến những tài năng Vật lí như nữ giảng viên Đại học Y khoa Oregon (Hoa Kỳ) Ngô Thị Minh Thùy, cựu sinh viên khóa 47, một trong những nhà khoa học đầu tiên tham gia xây dựng Trung tâm nghiên cứu cao cấp về chẩn đoán ung thư sớm (thuộc Viện nghiên cứu ung thư Knight, Đại học Y khoa Oregon - OHSU).
Kính hiển vi lực nguyên tử
Hay như nữ Giám đốc Tạ Thị Vân Anh, cựu sinh viên khóa 46 chuyên ngành Vật lí kỹ thuật, người từng xuất sắc là chủ nhân của các giải thưởng: Giải Ba Nhân tài Đất Việt năm 2011 cho Hệ thống lập kế hoạch xạ trị ung thư quản lý thông tin bệnh nhân trên web - LYNX; Top 9 Cuộc thi Code for Change năm 2016; Cộng đồng Nhân ái; Giải thưởng Sao khuê 2017 với Hệ thống quản lý bệnh viện ISOFH....
Đặc biệt, trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2012 đến năm 2018), đội tuyển Olympic Vật lí của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xuất sắc giữ vững vị trí giải Nhất toàn đoàn, và trong 3 năm (2007, 2017, 2018) giành giải Đặc biệt tại kì thi Olympic Vật lí sinh viên toàn quốc.
Ngoài ra,02thí sinh đạt Huy chương Vàng (Đinh Anh Dũng, Trần Hữu Bình Minh) và 01 thí sinh đạt Huy chương Bạc (Phan Tuấn Linh) tại kì thi Olympic Vật lí quốc tế năm 2017 (IPhO 2017) cũng đã chọn Trường ĐHBK Hà Nội là điểm đến cho hành trình học tập, nghiên cứu và lập nghiệp của mình.
Đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp ngành VLKT, ông Vũ Đức Thịnh - Công ty TNHH Thiết bị 2H cho biết: “Sinh viên tốt nghiệp ngành VLKT tại ĐHBK Hà Nội có kiến thức cơ bản vững vàng, tư duy tốt, chăm chỉ và cầu tiến nên công việc được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”.
Chương trình đào tạo đại học ngành VLKT được thiết kế theo định hướng ứng dụng và nghiên cứu với mục đích trang bị cho sinh viên khả năng thiết kế, đề xuất và triển khai các giải pháp kỹ thuật, cũng như kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề thực tiễn thông qua các khối kiến thức cơ bản về toán học và vật lý, kiến thức cơ sở và cốt lõi của ngành học hoặc tự chọn học theo các định hướng nghề nghiệp.
Quả cầu tích phân (mục đích khảo sát và đo các thông số nguồn sáng)
Chương trình đào tạo được xây dựng với những định hướng chuyên môn sâu như: vật liệu và linh kiện điện tử, công nghệ nano, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các nguồn năng lượng thay thế khác); quang học - quang điện tử và quang tử (chế tạo và thiết kế hệ thống chiếu sáng, kiểm tra và đo các thông số nguồn sáng, sử dụng các hệ laser, nghiên cứu và phát triển hệ thống thông tin quang, thiết bị dùng đèn LED...); vật lý tin học và lập trình ứng dụng (các phần mềm và máy tính chuyên dụng, xử lý số liệu thực nghiệm, mô phỏng các quá trình vật lý, tin học hoá các dụng cụ đo đạc các đại lượng vật lý trên cơ sở ứng dụng các bộ chuyển đổi, các chip vi điều khiển).
Với kiến thức, kỹ năng học tập tại trường, sinh viên ngành VLKT thường nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp, trở thành nhà nghiên cứu, kỹ sư tại các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo; chuyên gia viết dự án, chính sách khoa học công nghệ tại các cơ quản quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, sinh viên ngành VLKT có thể tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học vật liệu điện tử, bán dẫn, công nghệ nano, công nghệ hạt nhân, quang học điện tử...
Có thể nói, ngành VLKT đã và đang góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Với xu thế phát triển ngày càng cao của khoa học công nghệ thì triển vọng của ngành là rất lớn. Do đó, tương lai của sinh viên tốt nghiệp ngành VLKT có niềm đam mê, yêu thích với nghề không chỉ có nhiều cơ hội việc làm mà còn nhiều cơ hội phát triển rất tiềm năng.
Thông tin tuyển sinh chương trình đào tạo Vật lí kỹ thuật năm 2018
Mã xét tuyển: PH1
Chỉ tiêu tuyển sinh: 150 sinh viên
Tổ hợp môn xét tuyển:
· Toán – Lý – Hóa (Môn chính: Toán)
· Toán – Lý – Anh (Môn chính: Toán)
Điểm trúng tuyển các năm trước
· Năm 2015: 23.25
· Năm 2016: 22.86
· Năm 2017: 23.25
Cơ hội học bổng và hỗ trợ học tập
Bên cạnh nguồn học bổng và hỗ trợ tài chính của Trường ĐHBK Hà Nội, sinh viên theo học ngành VLKT có cơ hội nhận:
· 100 triệu đồng học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Sinh viên được hỗ trợ và tạo điều kiện để có thể xin học bổng từ các quỹ học bổng quốc tế và cơ hội đi trao đổi và thực tập ở nước ngoài.