Triển khai mô hình giao dịch lưu động tại Agribank Đắk Lắk:

Dịch vụ tiện ích, rút ngắn thời gian với khách hàng

Ông Vương Hồng Lĩnh – Giám đốc Agribank Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ khai trương
Ông Vương Hồng Lĩnh – Giám đốc Agribank Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ khai trương
Việc triển khai các điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhất là những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận vốn và các sản phẩm dịch vụ của Agribank.

Tiếp cận nguồn vốn vay không cần đi xa

Xuất phát từ nhu cầu tiếp cận nguồn vốn với chính sách ưu đãi đối với người dân, ngày 16/11/2018 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã tổ chức Lễ khai trương “Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng” tại trụ sở UBND xã Krông Nô, huyện Lắk. Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động như một chi nhánh của Agribank. Tại đây, có đầy đủ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, như: huy động tiền gửi tiết kiệm; mở tài khoản tiền gửi thanh toán; dịch vụ tiện ích Agribank E-Mobile Banking; tiếp nhận và hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn của khách hàng; thực hiện giải ngân; thu nợ vốn gốc và lãi…

Ông Y Mang Pang Ting (trú tại thôn Liêng Krăk xã Krông Nô), cho biết trước đây ông và người dân địa phương muốn tiếp cận, vay vốn phải chạy gần 100km, rất vất vả. “Từ nhà tôi đến điểm giao dịch ở trung tâm huyện Lắk để vay vốn phải chạy xe máy hơn 60 km, có những hộ dân phải di chuyển gần 100km đường đèo dốc. Nay chỉ cần ra trung tâm UBND xã, chúng tôi cũng có thể vay được vốn nhờ Agribank Đắk Lắk khai trương điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng”, Y Mang Pang Ting chia sẻ.

Dịch vụ tiện ích, rút ngắn thời gian với khách hàng ảnh 1

Người dân địa phương dễ tiếp cận nguồn vốn vay từ điểm giao dịch lưu động của Agribank Đắk Lắk, không cần đi xa, với chính sách ưu đãi

Phát biểu tại buổi lễ khai trương, ông Y Thị Niê - chủ tịch UBND xã Krông Nô vui mừng, cho biết: Việc Agribank Đắk Lắk chọn xã nhà là địa bàn đầu tiên triển khai dịch vụ điểm giao dịch ngân hàng lưu động tạo điều kiện cho người dân đỡ vất vả đi lại, rút ngắn thời gian để tiếp cận nguồn vốn vay. “Xe lưu động của ngân hàng về đến xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho bà con nông dân đến giao dịch. Đảm bảo việc giải ngân. Đặc biệt, người dân sẽ an toàn hơn, vì không phải mang số tiền lớn đi xa. Nhiều chính sách ưu đãi từ Agribank Đắk Lắk cũng góp phần giúp người dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần cùng với chính quyền địa phương cán đích các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”, ông Y Thị Niê nói.

Theo lãnh đạo Agribank Đắk Lắk, việc khai trương hoạt động điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận vốn và các sản phẩm dịch vụ của Agribank. Lợi ích của việc triển khai điểm giao dịch lưu động đã nhận được phản hồi tích cực từ phía lãnh đạo địa phương và khách hàng.

Nhân rộng điểm giao dịch bằng xe lưu động

Ông Nguyễn Hữu Xuân - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Lắk cho biết: Hiện nay, quy mô tín dụng tại đơn vị có sự tăng trưởng đều từ 15 đến 20%/năm. Tuy vậy, thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn ngày càng tăng trên địa bàn. Nguyên nhân là do có những địa bàn như xã Krông Nô, xã Nam Kar, xã EaR Bin, xã Buôn Triết… cách xa trung tâm huyện, giao thông cách trở, đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, bình quân một cán bộ tín dụng ở ngân hàng huyện Lắk hiện đang quản lý trên 1.000 hộ vay vốn. Do vậy, việc đáp ứng nhu cầu về vốn và dịch vụ Ngân hàng cho người dân ở những khu vực này khó thực hiện được.

Dịch vụ tiện ích, rút ngắn thời gian với khách hàng ảnh 2

Cắt băng khai trương điểm giao dịch lưu động của Agribank Đắk Lắk tại xã Krông Nô

Dịch vụ tiện ích, rút ngắn thời gian với khách hàng ảnh 3

Đại biểu dự lễ khai trương điểm giao dịch lưu động của Agribank Đắk Lắk

“Việc triển khai các điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng sẽ khắc phục những khó khăn này. Qua đó, mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư”, ông Xuân nói.

Lãnh đạo Agribank Chi  nhánh huyện Lắk cho biết thêm: Giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng sẽ luân phiên hoạt động trên địa bàn 4 xã, gồm xã Krông Nô, xã Nam Kar, xã Ea R’bin và xã Buôn Triết. “Đây là những xã cách trung tâm huyện Lắk đến vài chục km. Việc nhân rộng, mở rộng điểm lưu động chuyên dùng đến các xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay được thuận lợi hơn”, ông Xuân cho biết.

          Theo báo cáo, tính đến ngày 31/10/218 tổng dư nợ cho vay tại Agribank Chi nhánh huyện Lắk đạt 669 tỷ đồng (tăng 95 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước). Trong đó, chủ yếu là  dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Huy động vốn đạt 291 tỷ đồng (tăng 40 tỷ đồng so cùng kỳ). Thu dịch vụ đạt 2,5 tỷ đồng (bằng 75 % kế hoạch năm). Lợi nhuận khoán tài chính đạt khá, đảm bảo thu nhập và có lương năng suất.   

Ông Vương Hồng Lĩnh – Giám đốc Agribank Đắk Lắk cho biết: Việc trang bị xe ô tô chuyên dùng của Agribank nói chung và Agribank huyện Lắk nói riêng là nỗ lực của hệ thống Agribank trong việc đa dạng hoá kênh phân phối, giúp người dân ở các địa bàn xa trung tâm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ của ngân hàng. 

MỚI - NÓNG