Dịch vụ công trực tuyến những tín hiệu tích cực góc nhìn từ địa phương

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, hệ thống KBNN (KBNN) luôn chú trọng, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó việc triển khai thành công, hiệu quả thiết thực chương trình dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một bước tiến rất quan trọng. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm của hệ thống KBNN nhằm thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm áp lực về thời gian, giải quyết công việc nhanh, thuận lợi và khoa học hơn. 

Qua đó, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, rút gọn các bước thủ tục hành chính cần thiết theo quy định. Để hoàn thành sớm mục tiêu của KBNN đến năm 2030 là xây dựng thành công kho bạc số với 3 không “không khách hàng tại trụ sở”, “không tiền mặt” và “không giấy tờ”.

Dịch vụ công trực tuyến những tín hiệu tích cực góc nhìn từ địa phương ảnh 1

Với góc nhìn từ KBNN tại địa phương, trong thời gian qua việc triển khai và từng bước nâng cấp, hoàn thiện DVCTT tại hệ thống KBNN nói chung và KBNN Nông Sơn-Quảng Nam nói riêng đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Có thể đánh giá thực tiễn DVCTT là khâu vô cùng quan trọng, một bước tiến mạnh mẽ trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và phát triển hệ thống KBNN điện tử góp phần vào xây dựng Chính phủ điện tử. Thực hiện DVCTT không chỉ giúp các đơn vị thụ hưởng NSNN tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm, đi lại …, DVCTT còn hỗ trợ đắc lực cho công chức KBNN giải quyết mọi thủ tục trong quy trình tiếp nhận, xử lý công việc một cách nhanh chóng, khoa học, tăng tính minh bạch.

Cùng với sự ổn định và phát triển chung của toàn hệ thống KBNN, với phương châm “Sự hài lòng của khách hàng, an toàn trong thực thi công vụ làm thước đo hiệu quả công việc”, các chương trình hiện đại hóa thu NSNN, kiểm soát chi NSNN tại KBNN Nông Sơn - Quảng Nam ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đặc biệt, công tác phối hợp với các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách được nâng cao, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và người dân. Mục tiêu đến cuối năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt, tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN.

Sau gần 4 năm triển khai và thực hiện, DVCTT vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành như: chương trình chưa nhận diện được hồ sơ, chứng từ trùng lặp; chưa phát hiện được sự chênh lệch về số tiền tổng giữa bảng kê chứng từ thanh toán và giấy rút dự toán; dung lượng về gửi hồ sơ còn hạn chế gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác gửi hồ sơ của đơn vị sử dụng NSNN; đối với những đơn vị có sự thay đổi thông tin về chủ tài khoản hoặc kế toán trưởng thì chức năng tạo tẹp của kế toán trưởng hoặc chủ tài khoản chưa cao; đôi lúc đường truyền giao nhận hồ sơ còn chậm, nhất là những thời điểm cuối năm lượng hồ sơ, chứng từ phải giải quyết nhiều; tại chức năng phân luồng xử lý công việc trên dịch vụ công tại KBNN khi chưa phân luồng xử lý cho cá nhân thì không thể hiện trên màn hình cảnh báo, thông báo tại màn hình trang chủ còn phải tra cứu thủ công; chức năng đối chiếu tự động số liệu từ tabmis sang DVCTT đôi khi còn chênh lệch nhất là thời điểm đầu mỗi quý; trên một bộ hồ sơ có đính kèm các tẹp kèm theo thừa chưa tách để hoàn trả lại những chứng từ thừa kèm theo phải hoàn trả lại toàn bộ hồ sơ...

Hoàn thiện tốt chương trình dịch vụ công trực tuyến là một nền tảng để xây dựng Kho bạc số.

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN. Cán bộ giao dịch có thời gian, không gian tập trung giải quyết công việc. Các thao tác nghiệp vụ được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cũng nhanh hơn, thuận tiện hơn so với thao tác bằng chứng từ, hồ sơ giấy. Quan trọng nhất là hệ thống này giúp hạn chế sai sót, đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách khi yêu cầu nhập thông tin chính xác.

Với quyết tâm chung của hệ thống KBNN, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, tất cả vì khách hàng và an toàn trong thực thi công vụ, thời gian đầu dù quá trình triển khai thực hiện hết sức khó khăn, nhưng với sự chia sẽ, đồng thuận vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn hệ thống Kho bạc, đến nay hiệu quả về sử dụng DVCTT tại KBNN đã và đang cho thấy hiệu quả đáng kể, góp phần không nhỏ vào công cuộc cải cách hành chính được đảng và nhà nước hết sức quan tâm.

Những kết quả từ việc triển khai thực hiện DVCTT, trong thời gian qua đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Phát huy các kết quả đó, KBNN Nông Sơn – Quảng Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiệp vụ trên địa bàn. Tiếp tục có những đề xuất lên KBNN để tiếp tục nâng cấp, cải tiến chương trình, tối ưu hóa các ứng dụng nhằm khắc phục một số khó khăn, hạn chế phát sinh trong quá trình vận hành thực tế tại đơn vị. Với những kết quả này hệ thống KBNN đang dần hiện thực hóa được mục tiêu vì một nền hành chính phục vụ, tất cả vì khách hàng, hướng tới xây dựng Kho bạc số trong tương lai.

Để xây dựng được nền hành chính công tại hệ thống KBNN hiệu quả và an toàn, đạt hiệu quả của mục tiêu lấy sự hài lòng của khách hàng an toàn trong thực thi công vụ làm thước đo hiệu quả công việc. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về cung ứng DVCTT trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tiến đến KBNN số vào năm 2030, cần một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng DVCTT. Việc rà soát tập trung theo hướng giảm bớt sự chồng chéo, vướng mắc trong quản lý, tổ chức cung ứng DVCTT, đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phân bổ kinh phí để duy trì chất lượng đường truyền riêng phục vụ cho hoạt động cung cấp DVCTT nói riêng và thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên toàn hệ thống KBNN nói chung. Hoàn thiện, quy hoạch hệ thống chương trình, mạng lưới tích hợp các ứng dụng, chương trình cung ứng để giảm thiểu tối đa các chương trình ứng dụng trong thực thi nhiệm vụ quản lý thu và kiểm soát chi NSNN qua hệ thống KBNN. Tổ chức cung ứng DVCTT theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Hai là, tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy tính chủ động, linh hoạt cũng như tiềm năng, lợi thế của công chức trong hệ thống về quản lý, vận hành linh hoạt và hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác đào tạo về kỹ năng sử dụng và khả năng thích ứng với các ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức chuyên sâu hơn.

Ba là, thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Hoàn thiện, sâu chuỗi cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động nghiệp vụ KBNN. Theo đó, cần nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 858/QĐ-KBNN ngày 15/10/2014 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành Quy chế bảo quản, lưu trữ và tiêu hủy tài liệu kế toán của hệ thống KBNN trong điều kiện vận hành Hệ thống TABMIS để phù hợp với thực tế hiện nay trong điều kiện thực hiện giao nhận. lưu trữ chứng từ điện tử qua DVC-TT tại KBNN.

Bốn là, cần tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, giám sát và thanh tra việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên DVCTT. Vì cung ứng DVCTT là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn hệ thống, liên quan mật thiết đến mức độ an toàn tiền và tài sản nhà nước qua DVCTT tại hệ thống KBNN. Chính vì vậy, đòi hỏi cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng DVC-TT trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Đẩy nhanh việc tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng ứng dụng tập trung để phát hiện, ngăn ngừa từ xa những sai sót. KBNN cần khẩn trương hoàn thiện ứng dụng hỗ trợ kiểm tra giám sát từ xa trên cơ sở giao dịch hàng ngày.

Năm là, nâng cấp chương trình DVCTT thêm nhiều tính năng hỗ trợ cụ thể như:

- Nhận diện được hồ sơ, chứng từ trùng lặp;

- Phát hiện được sự chênh lệch về số tiền tổng giữa bảng kê chứng từ thanh toán và giấy rút dự toán ngân sách nhà nước...;

- Nâng cấp thêm dung lượng để tạo điều kiện cho đơn vị sử dụng NSNN gửi các hồ sơ có dung lượng lớn;

- Nâng cao chức năng tạo tẹp, gửi tẹp lên chương trinhg DVCTT đối với những đơn vị có sự thay đổi thông tin về chủ tài khoản hoặc kế toán trưởng;

- Nâng cấp đường truyền để chương trình được vận dụng hiệu quả hơn;

- Tại hệ thống DVCTT trong hệ thống KBNN trên màn hình chính tạo thêm chức năng cảnh báo, thông báo những công việc chưa phân luồng xử lý;

- Nâng cao tính chính xác và kịp thời chức năng đối chiếu tự động số liệu từ Tabmis sang DVCTT;

- Tạo thêm chức năng cho người xử lý có thể hoàn trả 1 hoặc nhiều hồ sơ, chứng từ kèm theo thừa.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả trong cung ứng DVCTT, cần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC được thực hiện thực chất. Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, bảo đảm tính nghiêm túc, hiệu quả trong công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch.Thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 thành công cần phải sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với mục tiêu hình thành mô hình kho bạc tinh gọn hơn vào những năm đến. Tuy nhiên, hoạt động của KBNN vừa mang tính chất quản lý nhà nước, vừa mang tính chất phục vụ đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và người dân (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện giao thông khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển); đồng thời, vừa phải theo lộ trình từng bước phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách, việc phân cấp quản lý nhà nước và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những yêu cầu mang tính khách quan không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước mà còn góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Do vậy, ngoài các giải pháp nói trên, để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cần sự chỉ đạo quyết liệt của KBNN cấp trên và sự chấp hành nghiêm túc của KBNN các cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo mục tiêu đã đặt ra tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ./.

MỚI - NÓNG