Dịch cúm mới xâm nhập Việt Nam

Diễn tập phòng chống dịch cúm
Diễn tập phòng chống dịch cúm
TP - Bộ Y tế vừa yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ các vùng miền và Viện Pasteur chủ động phòng chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.

> Dịch cúm mới có nguy cơ vào Việt Nam

Diễn tập phòng chống dịch cúm
Diễn tập phòng chống dịch cúm .

Đây là chủng cúm được tái tổ hợp giữa cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, không loại trừ khả năng cúm A/H3N2 có thể lây từ người sang người.

PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết dịch cúm mới có nguồn gốc từ Mỹ có thể nhẹ, lây truyền hạn chế và chưa có bệnh nhân tử vong. Trong 10 ca mắc virus cúm mới, có ba ca gần đây nhất mắc vào tháng 11 năm nay và không tiếp xúc với lợn. Điều này khiến các bác sĩ lo ngại virus này có thể lây từ người sang người.

Sự lây truyền virus cúm lợn sang người được ghi nhận trước đó. TS Hiển cho biết thêm: “Virus mới là tái tổ hợp từ cúm A/H1N1 nên đã mang gene của người, rất có khả năng lây truyền dễ dàng. Nếu độc lực cao thì sẽ rất nguy hiểm. May mắn là, trong số 10 bệnh nhân ở Mỹ, 7 ca không phải nhập viện, 3 ca nhập viện thì đều đã chữa khỏi”.

Hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư đang phối hợp với các trạm kiểm dịch ở biên giới, sân bay để theo dõi những người bị sốt, hội chứng cúm đến từ khu vực có dịch. Ngoài ra Viện cũng đang nghiên cứu các ca mắc bệnh cúm người và cúm động vật, xem xét sự biến đổi của virus, để có biện pháp phòng ngừa nếu xuất hiện chủng virus mới.

Bên cạnh đó Viện tiếp tục duy trì hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia. Tại đây các chuyên gia dịch tễ liên tục phân tích các đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và virus nhằm đưa ra các dự báo và ứng phó kịp thời. Đến nay chưa phát hiện có sự biến đổi đáng kể ở các virus cúm lưu hành ở người. Vì thế vaccine phòng cúm mùa thông thường đang lưu hành tại Việt Nam hoàn toàn có thể phòng ngừa được cúm A/H3N2.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Quốc gia, cho biết cúm A/H3N2 có khả năng gây biến chứng viêm phổi và tử vong đối với những đối tượng có sức đề kháng yếu như thai phụ, trẻ nhỏ, người già, người mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch…

Tuy nhiên, bác sĩ Hà cho rằng cúm A/H3N2 không đáng lo ngại vì nó vốn là cúm mùa thông thường. Người khỏe mạnh, nếu mắc, có thể hết sốt sau 3 - 5 ngày. Biểu hiện mệt mỏi, ho có thể kéo dài 10 ngày hoặc sau 2 - 3 tuần thì hết.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo với nhóm đối tượng có sức đề kháng kém khi có các biểu hiện của hội chứng cúm kèm theo khó thở, tím tái, ho có đờm đặc, ho ra máu, sốt cao trên 38,5 độ C và kéo dài ba ngày cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Hồng Hà cho biết thêm, những đối tượng có nguy cơ cao nên tiêm vaccine phòng cúm mùa hằng năm để dự phòng chủ động bệnh cúm. Bệnh cúm có thể lây truyền do virus cúm từ người bệnh phát tán vào môi trường xung quanh, hoặc từ tay sang miệng của người lành sau khi cầm nắm, sờ vào các vật dụng nhiễm virus cúm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG