Tây Nguyên: Nở rộ phân lô, bán đất nông nghiệp

Biển quảng cáo với những hình ảnh hấp dẫn nhưng không đúng sự thật về khu dân cư (thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai)
Biển quảng cáo với những hình ảnh hấp dẫn nhưng không đúng sự thật về khu dân cư (thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai)
TP - Gần đây, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ từ Hà Nội, TPHCM đổ xô lên Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum... mua đất phân lô. Nắm bắt tâm lý của các nhà đầu tư, nhiều chủ đất chỉ cần làm con đường bê tông rồi lên mạng xã hội quảng bá rầm rộ.
“Cò” đất biến không thành có
Trong vai nhà đầu tư đi “săn” đất phân lô, phóng viên Tiền Phong liên hệ với chủ 1 dự án tại xã Cư Suê (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk). Thanh niên bán hàng nhanh nhảu giới thiệu là người của một công ty bất động sản ở đường Lý Tự Trọng (TP Buôn Ma Thuột). Khoảnh đất rộng khoảng 1 ha tọa lạc tại thôn 3, xã Cư Suê, trông rất đẹp, với 3 mặt giáp đường bê tông, được giới thiệu gần dự án Khu đô thị Ea Pôk tương lai.
Vị này giới thiệu, hiện công ty đang mở bán 12 lô nằm sát đường đang được quy hoạch mở rộng; Mỗi lô có diện tích khoảng 130m2, giá bán 250 triệu. Khi được hỏi chủ đầu tư dự án này là ai”, thanh niên này nói: “Chủ đầu tư khu đất này thuộc một công ty, bên em là sàn giao dịch ở đường Lý Tự Trọng. Chỉ cần đặt cọc trước 30 triệu, 7 ngày sau sẽ có sổ đỏ”. Vị này tiếp tục dẫn phóng viên đến một khu đất khác, cách đó khoảng 2km. Một khu đất trống, nhiều gốc cà phê, chạy dọc khu đất là con đường bê tông vừa được làm.
Tây Nguyên: Nở rộ phân lô, bán đất nông nghiệp ảnh 1Cò đất giới thiệu về dự án khu dân cư (thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai)
Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết, ở địa phương không có dự án nào như  phóng viên nêu. Có thể, nhiều “cò” đất đã mua đất để đầu cơ, chờ khi giá tăng bán kiếm lời. Trong khi đó, ông Lê Nam Cao, Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho biết, ông mới về đảm nhiệm chức vụ, chưa nắm rõ vụ việc nên sẽ chỉ đạo kiểm tra thông tin này.
Tại buôn Cuôr Tara, xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk), nhiều cá nhân đã mua đất rẫy của người dân, sau đó tự làm đường bê tông để bán đất nền. Gặp chị N, 1 người chuyên về việc này chia sẻ, có khi dân buôn đất mua hàng ngàn m2 đất rẫy giá chỉ vài trăm triệu, sau đó họ làm đường bê tông để phân thành từng lô bán kiếm lợi với giá cao gấp hàng chục lần. Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Đông Phạm Văn Hà cho biết, xã không chứng minh được hành vi mở đường nhằm phân lô, bán nền để có thể xử phạt được họ.
Trước thực trạng trên, mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố siết chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở.
Một lãnh đạo Sở TNMT Đắk Lắk cho biết, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nghiêm cấm một số cá nhân, tổ chức mua đất rẫy tự làm đường, phân lô. “Cá nhân, tổ chức mở đường giao thông phải nằm trong quy hoạch và được phép đấu nối. Trường hợp xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để kinh doanh bất động sản phải lập dự án đầu tư, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. "Để xảy ra thực trạng trên, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, xã”, vị lãnh đạo này nói.
"Không có chuyện làm công viên như quảng cáo"
UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) vừa chỉ đạo các phòng ban kiểm tra thông tin một số cá nhân rao bán đất tại dự án khu dân cư (thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm) không đúng sự thật.
Theo đó, tháng 11/2020 UBND huyện Chư Sê phê duyệt kết quả trúng đấu giá khu dân cư này với 91 lô đất. Ông N.A.T. (quê Nghệ An) và bà C.T.H. (quê Quảng Bình) trúng đấu giá; mỗi lô dao động từ 100 đến 175 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều cá nhân tự thổi giá trị đất tại khu này lên gần 500 triệu đồng/lô. Tìm gặp PV Tiền Phong, một người đàn ông tên P cho biết, toàn bộ khu đất này đã bán hết; muốn sở hữu đất tại dự án, người mua phải đặt cọc trước 50 triệu. “Khu dân cư Ia Ring có lợi thế gần khu công nghiệp. Bên em chuẩn bị kéo điện, làm xong 2 công viên công cộng… Sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đai sẽ tăng giá”, vị này tiếp thị. Thế nhưng khi PV đến hiện trường, khu dân cư này chỉ là con đường đất bụi mù, vắng người qua lại... trái ngược với lời giới thiệu "cò" P.
Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng (thuộc UBND huyện Chư Sê) Hồ Minh Mậu cho biết, dự án khu dân cư thôn Ia Ring do UBND huyện làm chủ đầu tư đã được bán đấu giá và không có chuyện làm công viên như lời quảng bá. “Chúng tôi làm đơn giản, trong khi nhiều người (cò đất-PV) lại quảng cáo trên trời. Huyện đã bán đấu giá nhiều lần, nhưng không có người mua. Sau này, có 2 cá nhân trúng thầu lô đất này. Lãnh đạo huyện chỉ đạo giữ lại 13 lô để bán cho người dân”, ông Mậu nói.

Cũng liên quan phân lô bán nền trái phép, tháng 8/2020 UBND tỉnh Kon Tum có kết luận về thực trạng xây dựng nhà ở thương mại, phân lô, bán nền trái pháp luật ở TP Kon Tum (xảy ra từ năm 2012 đến 2019); qua đó xác định, sai phạm về quản lý đất đai liên quan đến nhiều lãnh đạo các sở ngành qua các thời kỳ. Hiện, hồ sơ vi phạm của cán bộ, công chức đã chuyển qua công an tỉnh này tiếp tục điều tra, xử lý.

Kết luận số 2405/KL-UBND (26/10/2018) về việc “San lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn thành phố Pleiku” do chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ký, nêu rõ: Đã có 1.523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền với 21 vị trí tại 10 phường, xã. Trên cơ sở kết luận này của UBND tỉnh Gia Lai, Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai khiển trách các ông Phạm Duy Du-GĐ Sở TN&MT, ông Trần Xuân Hùng-Phó GĐ Sở TN&MT; ông Lê Xuân Khanh-Phó GĐ Văn phòng đăng ký đất đai; ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND thành phố Pleiku. Riêng ông Nguyễn Kim Đại-Phó chủ tịch UBND thành phố Pleiku bị cảnh cáo… Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai cho biết vẫn đang trong quá trình điều tra vụ sai phạm về đất đai nêu trên.

MỚI - NÓNG