mùa xuân từ thuở con tim còn nóng hổi
những chặng đường xanh
hay chỉ mới phong thanh
mùa xuân một khái niệm chênh vênh
đến tận hôm nay vẫn mong thầm nhớ giấu
khi có mùa xuân con người đã biết yêu
nhưng giới hạn ở đâu sâu sắc bao nhiêu
nào ai biết
riêng ta hiểu yêu là trao hết
tâm hồn thể xác niềm tin
không giữ lại một chút gì để tiếc
(trích bài thơ “Đi tìm mùa xuân ở khoảng giữa” của thi sĩ – nhạc sĩ Xuân Oanh)
Và chúng tôi cũng xin được lấy tên bài thơ này làm tựa đề cho bài viết.
Mùa xuân một khái niệm chênh vênh. Tình yêu một khái niệm chênh vênh. Tình dục, càng chênh vênh. Nhất là khi lồng trong văn chương, dù nó tự nhiên như chính cuộc sống. Ngả bên này, là đôi cánh của tình ái. Ngả bên kia có thể kéo tuột nhau xuống hố tầm thường. Hệt như cái “anh” làm xiếc đi trên dây vậy đó.
Mùa xuân rạo rực đang rất gần, tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một số trích đoạn văn chương mà trong đó những khát thèm đàn ông đàn bà được miêu tả trong những rung động li ti nhất. Cái mùa xuân ở khoảng giữa ấy, nhiều người trong chúng ta có thể đã và sẽ trải qua. Nhưng không nhiều người cảm nhận hết được tầng tầng lớp lớp của xúc cảm. Lại càng ít người có thể viết ra thành lời.
Trong tác phẩm “Tiếng kêu của bươm bướm”, Vệ Tuệ miêu tả một cô gái trẻ sống tự do theo kiểu các cô gái phương Tây. Song các cuộc hẹn hò của cô những tưởng rất dễ dãi, hời hợt lại ẩn chứa những rung động bất ngờ từ tâm hồn tới thể xác:
Hai chúng tôi ôm hôn nhau trong một căn phòng yên tĩnh. Tôi mặc tấm áo ngủ lụa đen. Dải lưng áo nhỏ bé, mềm mại, mơn man khơi gợi cơ thể tôi. Giống một cánh bướm đen. Nỗi thèm khát bám lấy cơ thể gào rú bùng cháy trong đường hầm bí mật. đó là khoảnh khắc hoàn mỹ quên thế giới, quên bản thân. Vào lúc ý thức tê dại, tư tưởng say ngủ thì cao trào xuất hiện cùng ảo giác. Anh như một cánh chim lớn đậu trên niềm hoan lạc của tôi, luôn miệng nói yêu em, yêu em, không xa được em. Vậy là tôi cảm thấy ngọt ngào, cảm thấy viển vông… Chỉ cần tình ái trị liệu, then chốt là mình có thể quyết định được cuộc sống của mình.
Hay là cảm giác “Say nắng” (Ivan Bunhin) của một sĩ quan trẻ với một phụ nữ đã có chồng và một con nhỏ. Dù không biết tên nàng nhưng cuộc gặp gỡ đó mãi mãi in trong ký ức chàng trai vì cảm giác tê tê say say đó chính là một trong những sắc thái tình:
Từng vật nhỏ trong căn phòng ấy còn nhắc nhở, gợi nhớ đến nàng… Mùi nước hoa Anh Cát Lợi của nàng còn phảng phất hương thơm, cốc nước nàng uống dở còn đặt trên khay, mà nàng thì đã vắng… Anh còn nhớ nàng như in, nhớ cái mùi da rám nắng và tấm áo lụa nhẹ bồng bồng… Cái cảm giác sung sướng đến ngây ngất mà tấm thân dịu dàng non trẻ của nàng vừa đem lại còn nóng hổi trong anh một cách kỳ lạ nhưng giờ đây cái chính vẫn là một cảm giác khác- cảm giác thứ hai, hoàn toàn mới, rất lạ lùng khó hiểu mà anh không hề thấy, không thể thấy được khi mà anh còn bên nàng… Anh cảm thấy rằng có thể chết ngay ngày mai nếu có cách diệu kỳ nào trả lại nàng cho anh hôm nay, một ngày nữa thôi, chỉ nhằm mục đích thổ lộ với nàng rằng anh đang ngây ngất, say sưa yêu nàng đến đau đớn.
Trong tiểu thuyết “Đi tìm hầm mộ cổ” (Christian Jacq), bất chấp những rào cản của gia đình và xã hội, mối tình giữa nhà khảo cổ học khô khan và một cô gái tình cờ gặp đã song hành ngoạn mục cùng với cuộc phiêu lưu tìm kiếm những dấu tích bí ẩn của căn hầm mộ cổ xưa. Họ đã cùng nhau trải qua một phiêu lưu rồ dại, khó lặp lại trong đời:
Raifa cởi hàng cúc của tấm áo cộc, buông rơi tấm áo xuống đất và tiến đến gần anh bằng những bước đi lả lơi… Lẽ ra anh phải đẩy cô ra, thuyết phục cô rằng hai người phạm phải một hành động điên rồ, không chấp nhận cuộc phiêu lưu vào ngõ cụt này… Nhưng Raifa thật là quyến rũ, làn da thơm phức của cô, nỗi ham muốn cháy bỏng của cô... Cô tiếp tục khiêu vũ và lôi cuốn anh vào trung tâm một cơn lốc những nụ hôn, những cái vuốt ve. Chìm ngập trong mái tóc đen dài của cô, ngây ngất trước đôi mắt màu hồ thủy của cô, anh dâng tặng cô một tình yêu tương tự như cơn lũ của sông Nil dâng cao ào ạt tràn lên đôi bờ… Cô nép sát vào người anh, ở đó giấc mộng điên cuồng nhất tuân theo hai người tình trên một chiếc giường đầy hoa hồng.
Con người đôi khi không lý giải được cơn ham muốn, dìm mình vào bể tình. Nhưng nếu thời gian quay trở lại, họ cũng không thể sống khác. Tiểu thuyết “Ruồng bỏ” (J.M.Coetzee) thật tài tình khi đi sâu miêu tả những ham muốn và si mê kỳ lạ của một giáo sư đã chọn cho mình cuộc sống độc thân với một nữ sinh viên trẻ. Mối quan hệ này đã đem đến cho ông rất nhiều phiền toái nhưng ông không hề ân hận :
Ông đưa cô về nhà ông. Ông làm tình với cô trên sàn phòng khách, trong tiếng mưa tí tách đập vào cửa sổ. Thân thể cô trọn vẹn, mộc mạc, hoàn hảo theo cách riêng. Dù cô thụ động từ đầu đến cuối, ông thấy cuộc làm tình thật thích thú, thích thú đến nỗi sau khoái cảm tột đỉnh, ông rơi vào trạng thái lãng quên đờ đẫn… Lúc ông hồi tỉnh, mưa đã tạnh… Em phải đi thôi – cô thì thào. Ông không cố giữ cô ở lại… Cuối ngày hôm sau ông kín đáo theo dõi cô trong đám sinh viên đứng trên ngưỡng cửa, đang đợi ngớt mưa… Bộ ngực cô phập phồng, nâng lên, hạ xuống. Cô liếm một giọt nước mưa đọng ở môi trên. Một đứa trẻ! Ông nghĩ: Chẳng hơn gì một đứa trẻ! Mình đang làm gì thế này? Trái tim ông xao động vì khao khát.
Vào đầu thế kỷ XX, một số người Hồi đã phải rời bỏ Trung Quốc sang Anh để chạy trốn chiến tranh. Liệu họ có yên ổn nơi xứ sở lạnh giá này? Tiểu thuyết “Tang lễ đạo Hồi” (Hoắc Đạt) đã mô tả mối tình kỳ lạ giữa Hàn Tử Kỳ và Lương Băng Ngọc (em vợ Tử Kỳ). Trong một căn hầm lạnh giá, tăm tối của London, trái tim họ đã biến chuyển, òa vỡ bất ngờ trong tiếng bom gào, đạn rú :
Anh Kỳ ơi, ôm chặt em đi/ Anh Kỳ ơi, hôn em đi, hôn đi… Ông ngạc nhiên, thế là thế nào? Đó là cơn sóng triều tình yêu đang dâng tràn vào ông sao? Đó là tình yêu của anh em, hay là tình yêu của đôi trai gái? hay là tình cảm của con người đã được biến chuyển từ lúc nào không rõ ? Tiếng sét đột ngột đã làm ông không kịp đề phòng, khiến ông hốt hoảng… Lý trí đang vật lộn với thể xác, ông đang sắp xếp các lớp lưới trong lòng, cột chặt mình lại. Nhưng các lớp lưới này dường như chẳng còn đủ sức cho một cái cựa. Nó đã bị ông phá tung ra… Cô gái này đang trong sự ôm ấp của ông. Cô sẽ là ai cơ?… Như có tiếng gọi phát ra từ sâu thẳm trong lòng đất, từ trong thể xác con người, đã đánh thức trái tim bị khép kín, thức tỉnh một tình cảm chôn đã sâu/ giấu đã lâu dậy. Nó đã quên đi mọi điều trên thế gian, chỉ còn lại Adam và Eva trên hòn đảo cô đơn. Một thế giới được bắt đầu lại.
Thế giới được bắt đầu lại, thế giới của hai con người…