Đi để chạm

TP - Khi cầm máy ảnh đi giữa đất trời, núi rừng Tây Nguyên, những con người nơi đây đã chạm vào cảm xúc của nhiếp ảnh gia Helena Vân. Chính đại ngàn là suối nguồn bất tận cho chị sáng tác và có dự án ra mắt sách ảnh.
Đi để chạm ảnh 1
Bức ảnh “Nụ cười thanh xuân”.

Chạm vào cảm xúc

Nhiếp ảnh gia Helena Vân, tên thật là Nguyễn Ngọc Vân, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Chị có nhiều năm du học và làm việc ở các nước trên thế giới, được tiếp xúc, trải nghiệm những điều mới mẻ và thú vị, nhưng với chị không nơi nào có vẻ đẹp như Việt Nam. Chị trở về quê hương, những chuyến đi đã đưa đến những trải nghiệm, và những bức ảnh ấn tượng lần lượt ra đời.

Nhiếp ảnh gia (NAG) Helena Vân chia sẻ: “Tôi đến với nhiếp ảnh một cách tình cờ, khi bản thân cảm thấy rung cảm bởi những bức ảnh đẹp. Từ việc nhìn ảnh của người khác, tôi muốn những chuyến đi của mình không chỉ dừng lại ở việc nghe, nhìn, cảm nhận cá nhân, mà phải chụp lại khoảnh khắc để lan tỏa”.

Ngày tháng đi khắp đất nước Việt Nam tươi đẹp, ống kính Helena Vân từ những khoảnh khắc rất tình cờ đã “chạm” tới nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, chạm tới những mảnh đời, những câu chuyện đầy lòng nhân ái... Một cách tự nhiên, những người chị gặp trở thành chủ đề chính trong các bức ảnh của chị. Kết quả của hành trình ấy là cuốn sách ảnh mang tên “Helena Vân và hành trình đi để Chạm, lan tỏa yêu thương” với 116 bức ảnh là 116 câu chuyện về kiếp nhân sinh vô thường giữa được và mất, vui và buồn, đẹp và xấu, về tuổi già và tuổi trẻ. Những khoảnh khắc chân thực nhất về đất và người. Nữ nhiếp gia đến từ Hà Nội đã tinh tế và khéo léo, lan tỏa yêu thương, làm mê hoặc người xem bởi sắc màu của cuộc sống rất đỗi bình dị.

Mỗi lần “chạm”, ống kính Helena Vân lại một lần tải lên nhiều sắc thái, sâu lắng. thổi hồn vào những bức ảnh để chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp dung dị của cuộc sống, hồn nhiên như cây rừng và mát lành như gió núi. Là hình ảnh trong đêm đông lạnh giá ở thành phố sương mù, ba người đi bên nhau, những bước chân ấm áp đồng hành. Họ không hề cô đơn, họ đùm bọc, yêu thương và rất nhiều hy vọng về ngày mai. Bức ảnh một cụ già có khuôn mặt nhăn nheo và những đốm tàn nhang trông có vẻ khắc khổ, nhưng trong nụ cười khắc khổ đó, ngời ngời tinh thần lạc quan.

Bức ảnh đó NAG Helena Vân chụp bà Xong, người Hội An. Bà Xong là nhân vật từng được nhiếp ảnh gia người Pháp chụp và đặt tên là “Nụ cười ẩn giấu”, đã có 200 tờ báo trên toàn thế giới đưa tin. Bà Xong được mệnh danh là người đàn bà đẹp nhất thế giới. Khi đó, ngắm bức ảnh, Helena Vân tự hỏi vì sao người Pháp chụp được bức ảnh nụ cười Việt Nam đẹp như vậy. “Và may mắn Vân cũng chụp bà Xong, bằng góc độ, ánh sáng cảm nhận của mình, chụp bức ảnh khác người ta. Bức ảnh đó Vân đặt tên “Nụ cười thanh xuân””, NAG Helena Vân bộc bạch.

Với chị, nhiếp ảnh như người bạn đồng hành khám phá cuộc sống đa chiều nhiều màu sắc. “Những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, có thể chạm vào tất cả các cung bậc cảm xúc khác nhau và ghi lại trên những bức hình. Thời gian có chảy trôi thì vẫn còn những bức ảnh gần như giữ lại trên những thước phim”, nữ NAG người Hà thành nói.

Đi để chạm ảnh 2
Bức ảnh chụp ở buôn làng Tây Nguyên.

Suối nguồn

Cuốn sách ảnh “Helena Vân và hành trình đi để Chạm, lan tỏa yêu thương” chia thành 3 phần: Chạm, Suối nguồn và Hạnh phúc. Giải thích cho tựa đề của bộ sách ảnh này, nữ NAG chia sẻ, “chạm” như một cái sơ khai bởi vì nhân chi sơ tính bản thiện. Helena Vân đến với nhiếp ảnh bằng tình yêu thương, không tính toán nghĩ suy được gì mất gì. Chỉ đơn thuần chị muốn ghi lại những khoảnh khắc đẹp và chạm được đến tất cả các thiên bậc cảm xúc của con người và các góc nhìn khác nhau. Từ cái “chạm” đến đời sống con người chị có được phần 2 là “suối nguồn”. Toàn bộ phần “suối nguồn” được chị chụp ở Tây Nguyên.

Khi cầm máy ảnh, đi giữa đất trời, núi rừng Tây Nguyên, chị gặp những con người nơi đây, là những đứa nhỏ mặt mũi đen hơn so với các vùng khác, lấp ló dưới mái nhà với nụ cười tỏa nắng đợi bố mẹ đi làm về. Những người già 100 tuổi, nhưng họ không nhớ tên mình nói về niềm hạnh phúc khi lần đầu được chụp hình.

Năm 2022, nhiếp ảnh gia Helena Vân tổ chức triển lãm ảnh “Helena Vân - Về với đại ngàn” tại thành phố Buôn Ma Thuột. Triển lãm gồm 29 bức ảnh về đời sống, sinh hoạt đời thường của người dân khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có Tây Nguyên với nhiều sắc thái, cảm xúc. Số tiền thu được khi giao lưu ảnh đã được tác giả dành tặng thực hiện 2 Dự án “Sân chơi cho em” và 10 “Thư viện sách” cho trẻ em người dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk.

“Khi những tấm ảnh ấy được triển lãm tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Con của họ đã đi 60 cây số ra để chụp lại những hình ảnh của bố mẹ, ông bà được trưng bày tại đây. Họ nhắn cho Vân những tin nhắn đọc rất cảm động mặc dù viết sai lỗi chính tả rất nhiều. Đó chính là sự giản dị, là các nhịp bình lặng chảy trôi của cuộc sống”, Helena Vân xúc động.

Trong hành trình đi đến các buôn làng Tây Nguyên, chị chứng kiến bà mẹ có con đầu lòng khi 16 tuổi, giờ có 7 đứa con, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Nhiều em bé không được đến trường. Helena Vân đủ rung cảm với trẻ em vùng sâu, sau chuyến đi, chị muốn tiếp sức cho từng buôn làng Tây Nguyên và những dự án sân chơi, thư viện sách đã về với đại ngàn.

Chị nói không hề giấu giếm, chính con người nơi đây đã chạm vào cảm xúc của chị. Chính đại ngàn là suối nguồn bất tận cho chị sáng tác. Chính nhờ nguồn sáng tác bất tận mà Helena Vân có dự án ra mắt sách ảnh.

Khi đã có “Suối nguồn”, chạm vào cung bậc cảm xúc khác nhau chị có thể lan tỏa “hạnh phúc” đến mọi người đó là phần thứ 3 của bộ sách ảnh. Dịp đến Tây Nguyên vào một lễ hội của dân tộc người Tày và Nùng sinh sống tại đây. Khi chị đến đó, rất tình cờ, thấy bà mẹ đang bồng con đứng cạnh máy khâu, bên người bà ăn trầu. Bức ảnh đó chạm đến trái tim nữ NAG. Bởi vì hạnh phúc đơn sơ giản dị, nên Helena Vân đặt tên bức ảnh “Sắc màu cuộc sống”. Bức ảnh đó được huy chương vàng Tây Ban Nha, huy chương vàng của Anh Quốc. Trong cuộc thi ảnh nghệ thuật Việt Nam 2021, triển lãm và bức ảnh đó được chứng nhận cấp Quốc gia. Với Helena Vân, bức ảnh đẹp là tôn trọng tính nhân văn của khoảnh khắc, có bố cục ánh sáng, nghệ thuật, điều quan trọng hơn là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Dù đến với nhiếp ảnh chưa lâu, chị cũng đã ghi dấu bằng gần 80 giải thưởng quốc tế và gần hàng trăm tác phẩm ảnh được chọn triển lãm tại hơn 20 nước trên thế giới. Hành trình đi để “Chạm” của Helen Vân ngày hôm nay cũng là một bước tiếp nối, mong muốn có thể nối dài những điều tử tế nhỏ bé tới cộng đồng.