Trong tổng số 183 đề tài khoa học gửi về, Ban tổ chức đã trao giải cho 103 đề tài đạt chất lượng tốt nhất tại Hội nghị. ĐH Duy Tân vinh dự có 2 nhà khoa học là ThS. Nguyễn Tất Cương và ThS. Nguyễn Thị Lan Hương giành 2 giải Nhất và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của trường được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn về những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực KHCN giai đoạn 2016 - 2018.
Hội nghị KHCN Tuổi trẻ các trường ĐH, CĐ Y-Dược Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện. Hội nghị năm nay, có PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ Trưởng Bộ Y tế, anh Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM, cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, lãnh đạo các trường ĐH, CĐ Y Dược đến tham dự và trao giải.
Là một diễn đàn lớn dành cho các nhà khoa học trẻ ngành Y tế cả nước, Hội nghị đã mang đến cơ hội chia sẻ thông tin, trao đổi phương pháp nghiên cứu và giới thiệu các phát kiến mới giúp các nhà khoa học trẻ thể hiện năng lực thi đua sáng tạo trong nghiên cứu Y Dược. Rất nhiều chủ đề được các tác giả tập trung nghiên cứu và báo cáo tại Hội nghị như: Dược khoa, Điều Dưỡng, Mắt, Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt, Ngoại khoa, Nội khoa, Sản khoa, Y sinh học Phân tử, Y tế Công cộng,… Tại Lễ bế mạc và trao giải, Ban tổ chức đã tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các báo cáo xuất sắc, đồng thời trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các báo cáo khoa học của các tác giả, đồng tác giả thuộc các học viện, các trường có chất lượng tốt nhất, trong đó có 2nhà khoa học giành giải Nhất đến từ ĐH Duy Tân.
Với đề tài “Nghiên cứu tổng quan hệ thống và Phân tích gộp về hiệu quả của Y tế Điện tử trong can thiệp cai nghiện thuốc lá”, ThS. Nguyễn Tất Cương đã xuất sắc giành giải Nhất tại Hội nghị. Dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về tình trạng hút thuốc dẫn đến bệnh tật, ThS. Nguyễn Tất Cương không bất ngờ với thống kê năm 2018: Thuốc lá đã gây bệnh, khiến cho khoảng 40.000 người tại Việt Nam tử vong mỗi năm. Tỉ lệ này cao hơn hẳn so với trung bình của thế giới. Bởi vậy, ThS. Nguyễn Tất Cương luôn đau đáu tìm cách giúp người nghiện cai thuốc lá.
ThS. Nguyễn Tất Cương cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tổng hợp 4.000 bài báo liên quan đến cai nghiện thuốc lá thông qua Y tế Điện tử. Sau đó, chúng tôi đã đánh giá và so sánh hiệu quả các can thiệp của ứng dụng ehealth trên nền tảng website, phần mềm máy tính và điện thoại di động. Từ đó, chúng tôi đã nghiên cứu và sắp tới sẽ thiết kế app (ứng dụng) trên điện thoại di động với nhiều tính năng như nhắc nhở, tìm kiếm thông tin, lời khuyên, cách cai nghiện,… cho người nghiện thuốc lá. App hỗ trợ cai nghiện thuốc lá có thể tiếp cận các đối tượng mọi lúc, mọi nơi đồng thời có thể truyền đi các thông điệp một cách nhanh chóng, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng đặc thù.”
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 đang có những tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu đồng thời nhận thấy Công nghệ Thông tin có những hỗ trợ nhất định trong nghiên cứu Y Dược, nhiều năm qua, ĐH Duy Tân đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Trong đó, nhà trường thường xuyên tổ chức Hội thảo Quốc tế “Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong Y học”, xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành kết hợp Công nghệ Thông tin và Y Dược để triển khai các nghiên cứu với mong muốn tốt đẹp là đóng góp cho xã hội các đề tài, các kiến nghị để nâng cao chất lượng sức khỏe của người dân.“Đề tài ‘Nghiên cứu tổng quan hệ thống và Phân tích gộp về hiệu quả của Y tế Điện tử trong can thiệp cai nghiện thuốc lá’ được chúng tôi thực hiện theo hướng đi rất ý nghĩa đó của ĐH Duy Tân và được Hội đồng Khoa học tại Hội nghị đánh giá cao khi lễ kỷ niệm ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5 đang cận kề.”- ThS Nguyễn Tất Cương bộc bạch thêm.
Với đề tài “Thái độ thị hiếu của khách hàng với việc dán nhãn thành phần dinh dưỡng trên thực đơn của nhà hàng ở Việt Nam”, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương cũng đã được trao giải Nhất bởi sự thiết thực và khả năng triển khai ứng dụng trong thực tế của đề tài. Theo ThS. Nguyễn Thị Lan Hương: Khi chất lượng cuộc sống tăng lên, người dân có cơ hội được thưởng thức các món ăn ngon với tần suất nhiều hơn. Việc “thả phanh” ăn uống trong một khoảng thời gian dài đã dẫn đến tỉ lệ béo phì tại Việt Nam đang tăng cao. Một trong những nguyên nhân là do con người không tự kiểm soát được chế độ ăn uống và chưa được cung cấp thông tin sâu về nhu cầu dinh dưỡng để duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Với việc dán nhãn thành phần dinh dưỡng trên thực đơn của nhà hàng ở Việt Nam, thực khách không chỉ có thông tin cần thiết về hàm lượng dinh dưỡng trong món ăn mà còn biết “gọi” món một cách hợp lý, vừa đủ với nhu cầu bản thân. Bên cạnh đó, đề tài đã đi sâu vào tư vấn dinh dưỡng thay vì lời khuyênchung chung mang tính truyền thống là giảm ăn mỡ, đường như hiện nay. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, có đến 71.8% khách hàng từ 15 tuổi trở lên mong muốn có dán nhãn về thành phần dinh dưỡng trên thực đơn nhà hàng. Kết quả này đã khẳng định sự thiết thực, hiệu quả của nghiên cứu và sự cần thiết của việc dán nhãn thành phần dinh dưỡng giúp xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho người dân.
Hiện tại, đề tài “Nghiên cứu tổng quan hệ thống và Phân tích gộp về hiệu quả của Y tế Điện tử trong can thiệp cai nghiện thuốc lá” của ThS. Nguyễn Tất Cương đang trong quá trình phản biện để xuất bản bài báo quốc tế. Đề tài “Thái độ thị hiếu của khách hàng với việc dán nhãn thành phần dinh dưỡng trên thực đơn của nhà hàng ở Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thị Lan Hương đã được đăng tải trên tạpchí International Journal of Environmental Research and Public Health thuộc danh mục ISI.
Cùng với ĐH Duy Tân, Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng được Ban tổ chức trao giải Ba tại Hội nghị KHCN Tuổi trẻ các trường ĐH, CĐ Y-Dược Việt Nam - 2018.
Các bạn có thể xem thêm thông tin về đào tạo khối ngành Khoa học Sức khỏe của ĐH Duy Tân tại đây: Khoa Y, Khoa Dược.