Đến nhà bạn

TP - - Luyến hả! - Chị là ai? Người hỏi vồ vập, rồi bĩu môi. Người hỏi lại mắt trố trố, rồi eo mông đánh võng về hun hút.

- Này… đứng lại!

“Đứa nào thế nhỉ?”. Người bị gọi tự hỏi, mặt từ từ vát lên.

- Mày là con Luyến.

Hai mặt sát nhau, mặt kia không có biểu hiện hạ, chùng.

- Không nhận hả, vậy thì biến đi.

Người kia khớp chân tự nhiên cứng đơ, khô khốc. Hai cái mặt cùng thấp xuống.

- Tôi là Luyến, đúng rồi. Chị là…

- Chị là… hơn nhau chỉ cái mặt.

- Em… Em… hình như chị…

- Hình như cái gì, thôi nhé.

- Chị Tình. Sao chị lại đến đây?

Ôm nhau, lắc lắc, xoay vòng.

- Mày tưởng hơn tao cái mặt mà đã hơn à?

- Chị này… Chị này… Nhớ dai hơn bố con đỉa. Thôi về nhà em, cho vả tạ lỗi chục cái.

Vậy là Tình theo Luyến về nhà.

Đến nhà bạn ảnh 1

Minh họa: Huỳnh Ty

***

Phòng 1.21, nhà 12, ký túc xá Đại học.

Ngày thứ 21 mưa phùn. Mất điện.

Anh ấy đến chơi. Tình cờ quen Tình, thế mà cũng tìm đến được.

- Lúc nãy anh đâm vào xô nước à?

- Đấy là xô nước à?

- Anh sờ tay em xem.

- Ừ, như là vừa tắm.

“A… Có điện rồi… Có điện rồi!”

Tám cái giường như ma gặp trời sáng. Tám tiếng “phù”, hơi dầu hỏa, mùi bấc cháy. Giường tầng, ri-đô. Tầng 1, rá cơm có bát nước mắm, không có mùi. Giữa hai tầng, sợi dây phơi không nhìn thấy dây. Sun nhau - quần thức, quần ngủ, áo mẹ, áo con…

- Sao con gái lại biết đan len nhỉ?

- Mỗi em không biết đan.

- Sao lại thế nhỉ?

- Tại ở quê, em nhổ sắn nhiều, bắt cua nhiều.

Chuyện của Tình với anh kia cứ chủng chẳng.

Luyến ở giường trên cao đối diện, mái tóc ánh đèn, kim đan, sợi len, ngón tay múa quyện vào nhau.

Tình nhìn mặt anh kia thấy thộn ra. Quạt tay sát mặt không chớp mắt. Đập vào đùi, vẫn im.

- Này, này, con Luyến kia, buông cái kim đan ra!

Gió từ đồi Thằn Lằn, nhảng qua cửa sổ. Mái tóc Luyến lật lên. Khuôn mặt như trăng, òa ra. Anh bật đứng dậy. Bấu tay vào thành giường Luyến. Một, hai, ba phút… im lặng. Tự nhiên Luyến ối lên một tiếng “tay em chảy máu rồi”. Anh kia xé mãi chả xong cái gấu áo phông, nhanh trí vươn lên cầm tay Luyến, mút cho cầm máu theo kiểu dân gian.

Hóa ra là Luyến chẳng đau? Hỏi chảy máu ngón nào, chỉ linh tinh.

Hai hôm sau nữa anh lại đến. Ngồi ghé giường Tình. Tình vừa đọc sách vừa thủng thẳng:

- Có ba đêm, hai ngày mà cho tôi lên bà cô hả?

- Không phải… Giường em vừa tầng 1, vừa ngã ba.

- Được, ngã ba! Thế thì cho lên trời.

Nói thế mà anh kia trèo luôn lên giường Luyến. Thế mà Luyến vẫn tiếp chuyện.

***

“Ối chúng mày ôi, kẹo kẹo”. Cả phòng bật dậy khi tiếng Luyến như bắt được vàng. Từng chiếc, từng chiếc vèo vèo bay đúng vào những đôi tay xòe ra, như có nam châm.

- Có người yêu cũng hay đấy nhỉ.

- Thì tất cả có đi. Một tối được tám gói ngon ngon.

- Có thì cũng rồi, không thì cũng rồi. Sang năm thứ tư hơn một tháng rồi các bà ạ.

Im. Chạm vào mất rồi, rụt ra chả cứu được gì.

Một lúc thì Tình nói:

- Cái Luyến chỉ hơn bọn mình cái mặt. Trái xoan, trắng hồng, thơm phức, nhìn là muốn cắn.

- Hơn cái mặt lắm người yêu. - Tất cả như hô.

Luyến nhấp nháy điều gì trong mạch máu. Đôi má chợt hồng rực lên. Sung sướng chạy vào trong. Luyến hơi cúi đầu, mái tóc càng ăn điện.

“Tao nói cho mày biết... - Tình đứng lên, làm sao tay lại chỉ căng thẳng thế - … Bóc bánh ra đứa nào cũng như đứa nào, đen trắng gò đồi cao thấp dấu bằng hết.

Cái mặt đẹp của Luyến thành ra tội phạm. Bảy cái mặt xấu đổi ngôi. Luyến hạ mặt, giấu hẳn vào mái tóc. Bảy đứa kia nhìn nhau, tươi lên, hồng lên.

Ăn kẹo, chuyện. Mải quá quên mất, Luyến biến mất từ lúc nào.

Năm ấy cả phòng kẹo bánh hoa quả lúc nào cũng sẵn, có hôm cả con gà luộc sẵn. Năm ấy Luyến toàn mặc váy, mấy cái quần côn đưa hết cho Tình.

Đêm chia tay Tình nói, kỷ niệm chúng ta sẽ mang theo hết.

Câu nói như cái lẹm nứa làm Luyến nấc lên. Câu chuyện nhà vệ sinh thành nhà hộ sinh, Luyến ào ra.

Tình “hở hở?” mãi mới hiểu. Tình thấy mình có một phần tội ác, hôm ấy đi xem phim, về mua cháo cho Luyến, chỉ nghĩ nó ốm bình thường. Thôi thì qua rồi, biết làm sao, đành giữ sâu chôn chặt. Tình thở dài thấy mặt Luyến trắng dại.

***

- Đây là chồng tớ.

- Anh trông quen quen… Hình như là gặp… à em thấy trong tivi.

- Anh Xiển nhiều người bảo trông quen quen như chị. Anh làm ở… Thôi phần anh, giới thiệu làm sao cho chị Tình thích đấy nhá.

- Thôi giới thiệu làm gì cho nó xa cách.

Tình theo Luyến vào bếp. Luyến bảo chị rửa rau thơm cho em. Tình tìm cái nút vòi nước, ấn ấn mãi không được.

- Nhà mày làm sao thế? Có chậu mà không ra nước.

Tiếng cười đi sang vòi.

- Đây nhé, gạt phải là mở, gạt trái là đóng. Cũng có cái nhấc lên là mở, ật xuống là đóng. Nào thực hành đi.

- Thực hành. Vẫn không được.

- Nhẹ quá, có phải như khiển tivi đâu. Đây, dứt khoát thế này là ồ ồ, bà mùa ạ.

Bữa cơm ba người. Xiển đứng lên, giơ chén, Tình cũng đứng lên. Xiển nói:

- Anh biết em từ lâu, định đến nhà từ lâu.

Hai cái ực. Hai cái tay trong tay. Hơi lâu thì Luyến nói:

- Chị Tình biết làm sao mà anh Xiển biết chị từ lâu không?

- Mày nói đểu về tao chứ gì?

- Đúng một nửa. Đó là câu… “chỉ hơn nhau cái mặt” của chị.

- Anh Xiển thấy đúng không?

- Quá đúng khi… chỉ có thuyền mới hiểu.

Thế là ba sóng bắt nhau.

Mâm tàn, uống nước, hoa quả, cái tăm thơm. Xiển ngồi im nghe hai người đàn bà. Câu chuyện khái quát - Hai mươi bảy năm chẳng liên lạc gì. Lí do, nghe từng người nói.

Luyến: Em nghe nói chị vào Mường Hốc. Chẳng biết cụ thể ở đâu. Dò hỏi không ra.

Tình: Ừ, ừ. Tao qua cổng nhà này nhiều lần vậy mà chả bao giờ gặp mày. Hôm nay mới tình cờ biết!

- Bây giờ thế này rồi thì tiếp theo thế nào? Xiển chêm vào.

- Không thế nào trước. Hai người hai mặt đẹp ở nhà mặt phố, muốn sao cũng được.

Có vẻ chùng. Gai gai không khí, quẩn tròn mặt mũi.

Xiển nói, đợt tới tôi có chuyến công tác với ủy ban huyện trong đấy. Sẽ thăm nhà chị.

Nói vậy, biết vậy. Bây giờ tạm biệt, đến bao giờ thì đến bao giờ.

***

Mường Hốc đêm.

- Chuyến này về, mẹ nó thơm thế.

- Thơm mồm hay thơm mũi.

- Tất cả.

- Máy xát mấy hôm nay được cám không?

- Ba ngày bốn bao.

- Sao nhiều thế?

- Gạt to, tung tóe, hứng hộ, chơi đẹp.

11 giờ hai đứa con mới ngủ. Tình kể tiếp chuyện đến nhà vợ chồng cái Luyến. Bốn bơi tay sang vợ, từ mặt đến hết, từ hết ngược lên. Câu chuyện nhập vào bằng tiếng thở. Đêm không có màu, mặt nào cũng là mặt này.

Tình thức dậy bằng tiếng máy xát uỳnh uỳnh. Cám, bụi xoáy vòng tròn như mở cánh màn ra.

Có tiếng Bốn ua ua, ớ ớ trong khẩu trang.

Tình ra phụ chồng. Quét, đổ thóc vào phễu. Tiếng máy nổ bành bành, bụi một lúc thì mặt Tình thành cái bánh bụi. Hai người nói như cùng điếc với nhau. Một lúc nữa thì không có người. Bụi trùng trùng. Cái máy, thằng người mặc quần áo, nhấp nháy trấu, cám.

Mãi thì ngớt khách. Không còn tiếng nổ thì hơi phân lợn xộc đến. Chẳng sao, đã có câu chuyện chăn nuôi:

- Lứa này để làm nhà nhá.

- Làm làm gì, ở đây oai với ai.

- Không làm thì cũng phải sắm bộ sa - lông da.

- Khiếp, từ hôm ra tỉnh về tỉnh khiếp?

- Thì cũng phải vậy. Vợ chồng nó sắp vào chơi.

Mãi mà chả có khách. Ngồi suông mãi thì đi nấu cơm. Chiều cũng chả có việc. Tình bị chồng nắm tay, cùng câu “đi chơi đi”.

Hai người qua mấy quán kẹo bột, giấy bóng xanh đỏ năm trăm đồng một gói ba chiếc thì đến ngã ba. Sáu, bảy thanh niên; năm, sáu người sồn sồn, già già. Bốn rút dép lê, cho Tình ngồi xuống. Qua suối, một cánh đồng là khựng lại dãy núi chân trời. Hai vợ chồng chả nói gì. Bên cạnh, câu chuyện thóc ngô, lợn bị bệnh, nhà kia ông chồng khỏe lắm…

Một đứa hỏi:

- Chị Tình ơi, chị không chuyển ra thành phố à?

- Một trăm năm nữa, khi nào mỗi con lợn được năm tạ.

- Có bạn làm to lắm nhá… Chị còn giấu… Khi nào chị chuyển để anh Bốn lại cho bọn em nhé.

- Ờ, cho luôn từ bây giờ.

***

Lũ quét. Đất đá núi ầm ầm xuống thị trấn. Nhà cửa ụp ệp, mấy cái kèo cố giơ lên trời. Tiếng kêu khóc, gọi người khản đặc.

Đến tối thì chính thức có tin - 9 ngôi nhà biến mất hoàn toàn; đổ, sập, xiêu vẹo gần như hết. Về người, không ai chết, 4 bị thương trong đó nặng nhất là một người gãy chân. Anh trưởng khối 5 vừa thông báo như thế thì có tiếng chuông điện thoại trong túi quần. Anh nghe mặt căng, nói “Gay rồi. Còn một chiếc xe từ tỉnh vào, ngoài đó không liên lạc được, phải gọi qua thị trấn”.

Ba chục thanh niên dưới suối. Hàng trăm người già phụ nữ trẻ em, túm tụm đứng bên bờ, căng thẳng. Quá trưa, dòng nước vẫn vù vù chóng cả mặt. Tình đứng một lúc thì vụt chạy về nhà. Thấy Bốn đang quét chuồng lợn, nhảy vào, kéo tay lôi đi: “Đàn ông mà thế này à. Ra ngay”.

Những người lặn đang rét run, ngồi thở lập cập trên những mỏm đá. Những lưỡi câu bằng thép 6, thép dây phơi quần áo xem ra đã chịu. “Thôi đành để nước rút rút, cái ô tô này không thể trôi xa được”. Nghĩ thế nhưng không ai dám nói ra, đại để không muốn giục giã căng thẳng nữa.

Tình cấu vai chồng “anh xuống đi, em linh cảm thế nào ấy. Bao nhiêu người rồi, có chăng anh chỉ làm cái việc cho mọi người họ nhìn thấy”. Bốn có vẻ không muốn nhưng cũng cởi áo.

Cái đầu nhấp nhô của Bốn. Mắt Tình nhòa đi, rồi thấy dòng suối ngang mặt, ù ù trong tai.

***

Chiều hôm sau thì bốn người nằm trên bốn cái chiếu ở sân một nhà sát suối. Mặt họ đã được đậy bằng những tấm vải vội vã. Bốn đôi chân thò ra, ngắn dài, béo gầy.

Tình vật vã, khóc chỉ còn tiếng anh ơi khàn khè.

Nắng tự nhiên gắt lên. Không biết từ lúc nào, ruồi đậu đen trên những tấm áo bùn đất.

- Không thể để ở đây được. Thảm lắm. Một người nói.

- Thật đấy, xót lắm. Nhưng biết mang vào đâu… Chả nhẽ mang về nhà chị Tình. Mấy người nói.

- Tất cả mang về nhà tôi. Không kiêng kị, bàn bạc gì nữa.

Tiếng Tình từ trong đám tóc xõa xượi, hét lên.

Bốn người về nhà Tình, nguyên si trong khi đợi thợ mộc đóng áo quan.

Đau đớn cả thị trấn dồn về nhà Tình. Tự nhiên Tình không khóc nữa mà bảo mấy người đi lấy chậu nước, khăn mặt.

Những tấm vải bỏ ra. Bốn khuôn mặt giống hệt nhau. Tình lẩy bẩy rửa, lau mặt từng người. Tất cả nín thở, vòng quây quanh hẹp lại rồi rộng ra.

Khi áo quan mang về, đang khiêng qua cửa, thì có tiếng “ới anh Xiển ơi”, cùng lúc trong chớp mắt, một người đàn bà đã ôm ghì lấy cái xác. Lôi kéo, giằng giật, khóc, không còn nhận ra ai sống ai chết.

Tình mắm môi, ra đỡ Luyến. Tiếng khóc lại bùng lên. Rồi tiếng hờ… Anh ấy bảo vào đây kiểm tra, rồi đến nhà chị. Thế mà đến nhà chị thật, đến nằm thế này đây. Dậy đi anh ơi, anh với em cùng đến nhà chị Tình đây rồi. Anh ơi… ời…

Tình bị Luyến hất văng ra. Luyến đập đầu xuống xác chồng, trượt xuống nền nhà.

Nửa đêm thì đoàn xe đưa ba người chết về thị xã. Xe nổ máy chờ hai người đàn bà ôm nhau đau đớn.

Lo xong công việc cho chồng, chiều nào Tình cũng ra đứng ngã ba. Có thể chiều nay Luyến sẽ vào. Tình cũng định ra nhưng phải xong 49 ngày cho chồng đã.

D. A