Đêm giao thừa, có nên hái lộc trong chùa?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Hái lộc trong chùa là chúng ta không tôn trọng các thần linh và làm xấu đi cảnh quan, môi trường.

Theo quan niệm của người xưa, hái lộc trong đêm giao thừa sẽ giúp cho gia đình có được may mắn, hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Hái lộc còn là để cầu mong sự mạnh khoẻ, dẻo dai và có ích như loài cây.

Trong những năm gần đây, việc hái lộc đêm giao thừa khá phổ biến, đặc biệt trong là chùa. Các loại cây được mọi người cho là lộc đầu năm thường về cây thuộc bộ tứ linh thực vật: Đa, Sung, Sanh, Si.

Theo ni sư Thích Nữ Hạnh Hiền – Trụ trì chùa Hồng Quang (Ninh Giang, Hải Dương) cho biết: “Người ta quan niệm hái lộc trong chùa là mang những cành lộc, những cây có lộc ở chùa. Khi lấy được cành lộc như vậy gia đình, bản thân mình sẽ có lộc, có được may mắn trong năm... Quan niệm đó hoàn toàn sai”.

"Khi Phật còn tại thế đã nói rằng, từ cái kim cho đến ngọn cỏ không bao giờ được làm đau, lúc nào cũng phải trân trọng nó. Đức Phật đã giao cho Đức ông làm hộ pháp long thần trông coi toàn bộ những sinh linh có trong tự viện. Cho nên khi mình hái lộc trong chùa tức là mình đã làm đau các sinh linh, làm li tán sinh linh khiến cho Đức ông tức giận và không hài lòng", ni sư Hạnh Hiền nói.

Cũng theo ni sư Hạnh Hiền, các loại cây trồng trong chùa hay có những vị Thần. Có thể kiếp trước vị Thần đó chịu nhiều khổ hạnh nên tìm vào chùa để ăn mày cửa Phật, nguyện làm những vị Thần canh giữ cho chùa. Khi mình hái lộc, bẻ lộc thì các vị Thần không bao giờ mong muốn.

Cây cũng như cơ thể sống của con người, biết thương yêu, biết đau đớn. Khi mùa xuân đến cũng là lúc cây đâm chồi nảy lộc, mà chúng ta lại làm đau cây là chúng ta không yêu thiên nhiên, không tôn trọng các vị Thần và những sinh linh gần gũi với ta.

Đối với những người nghiên cứu Phật học lại cho rằng: Những cây ở trong chùa thường có rất nhiều oan hồn chết trẻ, khó siêu thoát, thường hay nương tựa vào cây cối trước cửa Phật. Cho nên khi ta hái lộc tức là chúng ta vô tình rước những vong dữ vào nhà. Những vong này có thể gây phiền phức với gia chủ. Tốt nhất không nên hái lộc, bẻ lộc ở chùa và chốn tâm linh.

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, Ni sư Thích Diệu Ngân – Trụ trì chùa Linh Sơn Vạn Phúc (TP. Hải Dương) khẳng định rằng: “Hái lộc trong chùa là không nên. Hiện nay có nhiều người chưa hiểu đúng về lộc. Lộc không phải là cây, không phải là cây lộc. Lộc có thể hiểu nhiều cách khác nhau như: Lộc Phúc, lộc Đức, lộc sinh con, lộc vui vẻ, lộc nói lời hay, lộc cũng không phải hoàn toàn là tiền”.

 Không nên quan niệm hái lộc nào chúng ta sẽ được lộc đó

Không nên quan niệm hái lộc nào chúng ta sẽ được lộc đó

Hiện nay có rất nhiều người hay suy diễn rằng: Chúng ta lấy cây gì, mang được cành lộc gì từ chùa về nhà là gia đình phát tài, phát lộc. Vì suy diễn như vậy, nên sau đêm giao thừa, các cây trong chùa sơ xác, nhiều cây còn bị người dân mang dao đến chặt khiến cho môi trường cảnh quan trong tự viện bị ảnh hưởng.

Còn có những người cho rằng: Trong chùa rất nhiều linh hồn không siêu thoát. Những linh hồn này có thể ngày trước làm những việc không tốt, hay có thể còn vấn vương với cuộc sống trần tục, nên có nhiều vong trú ngụ ở các cành cây. Khi hái lộc mang cành cây về là chúng ta đã mang những linh hồn đó về nhà. Quản điểm này chưa thật đúng. Vì các linh hồn thường trú ngụ ở những cây cao bóng cả, không phải cành nào và cây nào linh hồn cũng trú ngụ.

Cũng theo Ni sư Thích Diệu Ngân, việc hái lộc đầu năm là một tục đẹp, có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hoá tâm linh. Tuy nhiên hái lộc ở chùa trong đêm giao thừa thì không nên, vì như vậy là chúng ta chưa thể hiện sự tôn trọng với Thần linh, không bảo vệ cây xanh và xấu đi môi trường sống.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG