> Bội chi gần 200 ngàn tỷ đồng
> Thủ tướng trình bày Báo cáo kinh tế - xã hội
Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn. Bên cạnh đó, có ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị, để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của NSNN và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác, chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỷ đồng.
Ủy ban TCNS lo ngại việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như Cty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.
Từ thực tế trên, Ủy ban TCNS đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý như đánh giá khả năng trả nợ đến năm 2015 – 2016; tính toán bố trí đủ nguồn để trả nợ các khoản đến hạn; loại bỏ và kiên quyết không bố trí vốn bổ sung cho 203 dự án thuộc diện giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư mà Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất...
Trước đó, thay mặt Chính phủ, tại Tờ trình về phương án phát hành và sử dụng vốn TPCP bổ sung giai đoạn 2014-2016, Bộ trưởng Bộ KH &ĐT Bùi Quang Vinh trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 (không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015).
Theo Bộ trưởng Vinh, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn đảm bảo an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ. Bộ trưởng Vinh cho rằng “việc phát hành TPCP không làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông, nên cơ bản không ảnh hưởng đến mặt bằng giá”.
Tuy nhiên, ông Vinh lo ngại việc tăng chi tiêu của Chính phủ thông qua phát hành TPCP sẽ gây tác động tới nhu cầu của những hàng hóa, dịch vụ liên quan, gây tác động đến giá cả từng mặt hàng và mặt bằng giá nói chung.