Doanh nghiệp "xin" nghỉ ba ngày
Vừa nghe thông tin về đề xuất hoán đổi ngày làm (ngày 29/4) để lao động có thể được nghỉ liên tục 5 ngày nhiều doanh nêu rõ lý do không ủng hộ đề xuất này.
Chia sẻ với Báo Giao thông, bà Hoàng Thúy Hà, Phó giám đốc Công ty In Phú Sỹ cho rằng thời điểm này các doanh nghiệp đều đang gấp rút hoàn thành tiến độ các đơn hàng sau Tết.
"Doanh nghiệp in sản xuất bao bì cho sản phẩm nên ngay từ đầu năm chúng tôi nhận khá nhiều đơn hàng từ các công ty. Nếu đề xuất nghỉ 5 ngày liên tục chắc chắn hoạt động sản xuất sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng tới các hợp đồng", bà Hà cho biết.
Nhiều người lao động cũng mong muốn có một kỳ nghỉ dài ngày. |
Ông Mai Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, nếu nghỉ 5 ngày liên tục các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ sản xuất. Bởi, thời điểm này đang là giai đoạn căng thẳng sản xuất và bàn giao đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc.
Theo ông Dương khối doanh nghiệp người lao động chỉ được nghỉ 3 ngày do thông thường doanh nghiệp chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Tuy nhiên, nếu đề xuất này của Bộ LĐ-TB&XH được chấp nhận thì khối doanh nghiệp sẽ phải cho lao động nghỉ bù thứ 2, như vậy tức là lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tục.
"Thời gian nghỉ quá dài như vậy rất bất lợi cho doanh nghiệp. Nên nghỉ 3 ngày là hợp lý. Nên giao quyền tự chủ bố trí ngày nghỉ cho doanh nghiệp để họ tự chủ động trong việc điều phối hoạt động sản xuất kinh doanh cho hợp lý", ông Dương nói.
Đặt lợi ích của người lao động lên đầu
Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2024 để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Vừa nghe thông tin về đề xuất hoán đổi ngày để lao động có thể được nghỉ liên tục 5 ngày, chị Lê Thị Hằng quê Thanh Hóa (Công nhân KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) đã rất phấn khởi.
Chị Hằng tâm sự: "Bình thường công nhân có ít thời gian nghỉ dài ở bên gia đình. Nếu được nghỉ 5 ngày liên tục, tôi sẽ tranh thủ đưa các cháu về quê thăm ông bà".
Theo chị Hằng do nhà xa, cả năm cũng chỉ có 1-2 dịp là chị được về quê thăm gia đình. Vì thế, chị và nhiều lao động xa quê rất mong ngóng đề xuất hoán đổi ngày nghỉ, kéo dài ngày nghỉ 30/4 và 1/5 lên 5 ngày.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng đề xuất này là kịp thời, vì còn gần một tháng nữa là tới ngày nghỉ.
Theo ông Lợi, phải đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu. Ở các quốc gia phát triển trên thế giới xu hướng là kéo dài ngày nghỉ. Tại sao ở Việt Nam không làm như thế mà lại cho người lao động nghỉ 2 ngày rồi đi làm 1 ngày rồi lại nghỉ 2 ngày.
"Nên hoán đổi để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi và cũng là có thời gian để ăn mừng ngày lễ lớn của dân tộc", ông Lợi đề xuất.
Ông Lợi cũng nhấn mạnh, trong điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường lao động chưa quá căng thẳng thì cũng không nên "căng" với người lao động. Cứ để lao động nghỉ ngơi dài chút để tái sản xuất sức lao động, giúp người lao động vui vẻ, có sức bật tốt nhất khi quay trở lại làm việc.
Cùng quan điểm bà Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định đề xuất khá hợp lý nếu nhìn ở góc độ người lao động.
Bà Lan cũng cho rằng có khá nhiều doanh nghiệp tỏ ra không hài lòng với đề xuất này. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận nếu đây là quy định.
"Phần lớn công nhân, lao động từ quê ra. Nếu nghỉ dài ngày, công nhân, người lao động sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, về thăm quê. Đặc biệt, hiện nay nhiều công nhân lao động vì khó khăn phải gửi con ở quê cho ông bà nuôi. Nếu được nghỉ dài ngày thì người lao động sẽ có thêm thời gian về quê thăm nom con cái và gia đình. Chính bởi vậy, theo tôi cần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường thời gian nghỉ ngơi, giúp lao động phục hồi cả sức khỏe tinh thần và thể chất để họ có nhiều động lực cống hiến sức lao động", bà Lan phân tích.
Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-nghi-5-ngay-dip-30-4-1-5-cong-nhan-phan-khoi-doanh-nghiep-lo-ngay-ngay-19224040517462892.htm