Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, thứ hạng GTVT Việt Nam tăng dần, từ vị trí 90 năm 2012 lên 74/138 năm 2014. Tuy nhiên, xếp hạng logictics Việt Nam vẫn còn rất thấp và chỉ đứng trên 3 nước Lào (không có biển), Campuchia, Myanmar ở khu vực Đông Nam Á.
“Theo chiến lược biển, đến 2020 dầu khí xếp vị trí thứ nhất về kinh tế, nhưng từ 2021, kinh tế hàng hải sẽ xếp đầu. Vì thế, việc sửa đổi Bộ luật Hàng hải lần này là cơ hội để chúng ta tháo gỡ khó khăn, tạo sự đột phá về thể chế chính sách để phát triển kinh tế biển”, ông Thăng nói.
Để tạo ra sự đột phá trên, Bộ trưởng Thăng cho hay, Dự thảo luật đã đề xuất lập mô hình “chính quyền cảng”. Theo đó, “chính quyền cảng” là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao; Được quyền huy động các nguồn vốn hợp pháp trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng theo quy định của pháp luật...
“Mô hình quản lý cảng của chúng ta hiện nay bất cập quá, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả thấp mà giá thành lại rất cao. Nếu thực hiện theo mô hình trên thì sẽ thống nhất được tất cả các lực lượng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc”, ông Thăng nói và cho rằng, nếu được thực hiện thì mô hình “chính quyền cảng” cũng sẽ chỉ áp dụng ở những cảng lớn như, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu. “Nó cũng không phải mô hình chính quyền từ trung ương đến địa phương. Các nước cũng đều thực hiện mô hình này cả và rất hiệu quả”, ông Thăng khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên dùng cụm từ “chính quyền cảng” và nội dung trong dự luật thể hiện chưa rõ thuộc ai, cơ cấu thế nào, trong khi chức năng theo dự thảo là lớn. “Theo tôi không nên dùng từ “chính quyền cảng” vì nếu có sẽ dẫn đến “đẻ” ra một loạt “chính quyền” ở các khu công nghiệp, cảng hàng không”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước góp ý.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị chỉ cần gọi cảng vụ là được. Vì dùng từ “chính quyền cảng” sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như có Hội đồng nhân dân không? Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, việc sửa đổi lần này phải đảm bảo tạo ra xung lực lớn thúc đẩy kinh tế hàng hải, kinh tế biển phát triển và làm chủ biển.