Chiều 24/12, đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an, cho biết nội dung trên nằm trong tờ trình “Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”, được trình lãnh đạo Bộ Công an.
Hiện tại chưa ước tính được số lượng camera cần lắp đặt. Tuy nhiên việc lắp đặt hai loại camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm sẽ bao phủ toàn bộ tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm trên toàn quốc.
Ngoài ra, đề án cũng hướng tới việc xây dựng đồng bộ hệ thống camera từ Bộ Công an tới các địa phương, cùng chung một tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích, hỗ trợ nhiều cơ quan, ban ngành cùng có thể khai thác. Hệ thống camera này được coi là tài sản chung của toàn xã hội.
Hiện chưa có quy định bắt buộc nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát khi xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ mới. Chỉ một số tuyến cao tốc mới như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ... được nhà thầu lắp đặt, tuy nhiên cơ chế phối hợp, trích xuất xử lý còn hạn chế.
Theo đại tá Bình, nếu đề án này được thông qua, hai thành phố lớn sẽ tiếp tục tự chủ và có cơ sở để hoàn thiện ở quy mô lớn hơn với yêu cầu tất cả camera lắp đặt phải được kết nối sử dụng vì mục đích phát hiện tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông.
Ngoài ra, đề án cũng hướng tới giai đoạn 2021-2025 Bộ Công an ưu tiên ứng dụng công nghệ để đổi mới cách xử lý, giám sát vi phạm của lực lượng CSGT trên toàn quốc.
Khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ, CSGT chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn là chính, chỉ lập chốt phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng...